Chuyện xóa mù chữ ở vùng cao

Huệ Dinh 10:16, 24/11/2024

Hơn 3 năm qua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số giai đoạn 2021-2025, nhiều lớp xóa mù chữ đã được Thái Nguyên tổ chức tại các địa bàn còn khó khăn của tỉnh. Với các thầy, cô giáo, xóa mù chữ ở vùng cao không chỉ là dạy bà con biết đọc, biết viết, mà ở đó còn có những kỷ niệm đáng nhớ về tình người...

Các học viên tham gia lớp xóa mù chữ ở xã Thượng Nung (Võ Nhai) luôn chăm chú với bài giảng của giáo viên.
Các học viên tham gia lớp xóa mù chữ ở xã Thượng Nung (Võ Nhai) luôn chăm chú với bài giảng của giáo viên.

Dạy chữ dưới ánh đèn dầu là hình ảnh đáng nhớ của những giáo viên từng tham gia xóa mù chữ ở các địa bàn miền núi, vùng cao, đặc biệt khó khăn của tỉnh thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Khi ấy, mỗi lớp học được mở là sự nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương, các thầy cô giáo và cả học viên.

Ông Hoàng Thanh Cao, bản người Mông Lũng Luông, xã Thượng Nung - một trong những đảng viên người dân tộc Mông đầu tiên của huyện Võ Nhai, có trình độ văn hóa 7/10, được ngành Giáo dục huyện thời đó tín nhiệm, khuyến khích lên lớp dậy chữ cho dân bản những năm 1980, chia sẻ: Để bà con đến lớp học chữ, chúng tôi phải vận động từng người. Ban ngày, bà con đi làm, tối đến mới có thời gian lên lớp. Tuy nhiên, khi mọi người lo xong việc nhà thì đã muộn nên hôm nào cũng phải hơn 20 giờ lớp học mới được bắt đầu. Cái thời thiếu điện ấy, chiếc đèn dầu chính là nguồn sáng duy nhất trong lớp học. Dù vậy, nhiều người có tinh thần ham học đã kiên trì bám lớp và biết đọc, biết viết thông thạo.

Từng 2 lần tham gia công tác xóa mùa chữ ở vùng cao, cô giáo Nguyễn Thị Nguyên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học số 1 Văn Lăng (Đồng Hỷ), nói: Tôi vẫn nhớ những buổi tối lên lớp dậy chữ ở bản người Mông Khe Cạn, xã Văn Lăng những năm đầu thập niên 90. Lớp học đơn sơ với những bộ bàn ghế cũ kĩ. Không có điện, chúng tôi phải thắp đèn dầu, dùng đèn pin để làm nguồn sáng cho lớp học. Kết thúc khóa học, dù sĩ số lớp học bị “ngót” dần nhưng nhiều người, từ lớp học này đã trưởng thành, trở thành hạt nhân tích cực của bản, tham gia các hoạt động ở địa phương, nhất là tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Để diệt “giặc dốt”, trong những năm còn nhiều gian khó, các lớp học xóa mù chữ đã được Thái Nguyên tổ chức như thế. Tuy điều kiện về cơ sở còn khó khăn nhưng sự nhiệt huyết của các thầy, cô giáo đã giúp nhiều học viên theo đuổi “con” chữ đến cùng.

Khác với thập niên 80, 90, phải vượt con đường đèo dốc, khó đi để đến với lớp học xóa mù chữ, ngày nay, giáo viên chỉ cần cho xe máy chạy một loáng đã có thể gặp được học viên. Không còn những buổi học chữ dưới ánh đèn dầu “tù mù” và ngồi trên bộ bàn ghế cũ kỹ, các lớp học được tổ chức tại nhà văn hóa xóm được xây dựng khá khang trang. Thậm chí, tất cả học viên tham gia lớp học còn được trang bị từ sách vở đến giấy bút.

Tham gia lớp học xóa mù chữ, tất cả học viên đều được tặng sách, vở, bút...
Tham gia lớp học xóa mù chữ, tất cả học viên đều được tặng sách, vở, bút...

Bà Phan Thị Phương, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Võ Nhai, cho hay: Là địa phương tổ chức được số lớp xóa mù chữ lớn nhất tỉnh (16 lớp với hơn 310 học viên, chủ yếu là người dân tộc Mông), chúng tôi rất vui khi các lớp học được tổ chức hiệu quả, học viên tham gia nhiệt tình. Để học viên tiếp thu bài giảng nhanh hơn, các thầy, cô giáo đã sử dụng máy chiếu phục vụ công tác giảng dậy. Đặc biệt là có phương pháp giảng dậy sáng tạo khi yêu cầu học viên dịch một đoạn văn, thơ trong sách giáo khoa từ tiếng Việt sang tiếng Mông; hướng dẫn học viên sử dụng điện thoại thông minh trong việc tìm kiếm hình ảnh minh họa, phát âm chữ tiếng Việt.

Ở xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), 2 lớp xóa mù chữ cũng được tổ chức. Theo đó, lớp học ở Tam Va có 25 học viên, lớp học ở Bản Tèn có 26 học viên. Quá trình học được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1, giảng dạy chương trình từ lớp 1 đến lớp 3 đã kết thúc từ cuối năm 2023. Giai đoạn 2, giảng dạy chương trình lớp 4 và 5, khai giảng từ tháng 7 và dự kiến kết thúc vào tháng 12 năm 2024.

Cô giáo Nguyễn Thị Nguyên nói: Ở thập niên 90, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, tinh thần học tập của học viên chưa được nhiệt huyết. Tuy nhiên, lần tham gia chương trình xóa mù chữ này lại rất khác biệt, để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Điều khiến tôi vui nhất chính là tinh thần học tập nghiêm túc của các học viên. Từ học viên nam lớn tuổi nhất (59 tuổi) đến những học viên mới ngoài 30 tuổi đều hăng hái xung phong phát biểu khiến cho không khí mỗi buổi học thật sôi động.

Suốt những tháng ngày gắn bó với lớp học, cô giáo Nguyên rất ấn tượng với học viên Đào Văn Sự, vì chỉ sau 3 tuần tham gia học chữ đã có thể đọc được các bài viết trong sách giáo khoa. Có những học viên lớn tuổi như bà Đào Thị Mỵ (55 tuổi), tiếp thu chậm hơn lớp trẻ, nhưng vẫn kiên trì lên lớp, tích cực hỏi bài cô giáo nên từ những khó khăn ban đầu nay đã có thể đọc thông, viết thạo. Vui nhất là trong lớp học có 1 đôi vợ chồng cùng “đưa” nhau đến lớp, “rủ rỉ” như đôi chim cu, giống như đôi bạn cùng tiến…

Không chỉ dậy chữ, mỗi giáo viên còn mang đến lớp học những tình cảm chân thành, tạo nên sự gắn kết mật thiết, keo sơn giữa cán bộ và người dân vùng cao. Ông Lương Văn Lịch, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thượng Nung (Võ Nhai), tâm sự: Bên cạnh dậy chữ, các thầy cô giáo còn giúp người dân vùng cao có nhận thức đúng đắn hơn, không tham gia vào các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và ngày càng thêm yêu quê hương, đất nước…

Hiện nay, Thái Nguyên còn 1.200 người trong độ tuổi từ 15-60 mù chữ mức độ 1 (chưa hoàn thành chương trình học lớp 3); 1.938 người mù chữ mức độ 2 (chưa hoàn thành chương trình học lớp 5).

Từ những lớp xóa mù chữ, nhiều người dân ở các địa bàn miền núi, vùng cao ở Võ Nhai, Định Hoá, Đồng Hỷ, Đại Từ... đã biết đọc, biết viết thông thao, tiếp cận được với các thông tin hữu ích phục vụ cho cuộc sống…