Định Hóa: Giảm nghèo thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trinh An 11:26, 02/11/2024

Xác định giảm nghèo đa chiều bền vững cần có sự thay đổi toàn diện, thay đổi tư duy, ý thức thoát nghèo của người dân, nhất là về thông tin, huyện Định Hóa đã quan tâm đầu tư về dịch vụ viễn thông và phương tiện tiếp cận thông tin cho người dân. Từ đó góp phần hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo vươn lên, đồng thời bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

100% chợ nông thôn trên địa bàn huyện Định Hóa đã ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt qua thiết bị điện thoại thông minh. Trong ảnh: Lãnh đạo huyện cùng Sở Thông tin và Truyền thông khảo sát tại chợ Bảo Cường.
100% chợ nông thôn trên địa bàn huyện Định Hóa đã ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt qua thiết bị điện thoại thông minh. Trong ảnh: Lãnh đạo huyện cùng Sở Thông tin và Truyền thông khảo sát tại chợ Bảo Cường.

Năm nay ngoài 70 tuổi nhưng chiều nào bà Ma Thị Lài ở xã Tân Dương cũng cùng những người bạn của mình nghe các chương trình phát ra từ loa truyền thanh tại Nhà văn hóa xóm Tân Tiến 2. Bên cạnh đó là chiếc điện thoại thông minh để các bà cùng tham khảo theo hướng dẫn của phát thanh viên. Với hướng dẫn truy cập chi tiết từ các trang mạng chính thống, các bà đã có thể mua, bán hàng hóa không dùng tiền mặt, biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân…

Bà Hoàng Thị Ngà, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Định Hóa, cho biết: Thiếu hụt thông tin là một trong những chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong bộ thiêu chí nghèo đa chiều. Từ năm 2022 đến nay, huyện đã được đầu tư 13 đài truyền thanh cơ sở tại các cụm dân cư vùng sâu, vùng xa. Đến nay, 23/23 xã có đài truyền thanh trong đó có 15 đài truyền thanh thông minh.

Khi thực hiện Tiểu dự án 2 truyền thông về giảm nghèo đa chiều, huyện đã có trên 4.000 hộ nghèo, cận nghèo, người dân ở vùng khó khăn được hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, được cấp SIM và wifi miễn phí. Bên cạnh đó, hàng trăm hộ nghèo, người có công trên địa bàn huyện đã được hỗ trợ tivi thông minh.

Thực hiện Dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, huyện đã thiết lập 13 điểm hỗ trợ đồng bào ứng dụng công nghệ thông tin tại các xã.

Ông Chu Văn Hạnh, xóm Gốc Thông, xã Định Biên, được giao nhiệm vụ vận hành cụm loa, chia sẻ:  Khi vận hành thiết bị, tôi luôn xác định bảo đảm chất lượng kết nối, không để ai bị mù thông tin. Qua thông tin truyền thanh trên loa, bà con nhận thức ra rất nhiều điều. Đặc biệt là những chương trình họp của HĐND huyện, người dân địa phương nghe, nắm bắt được nhiều thông tin hữu ích, những chủ trương của huyện, nên người dân cùng nhau thực nghiêm chỉnh.

Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông huyện đã xây dựng các chương trình truyền thông, bài viết về giảm nghèo trên sóng phát thanh, truyền hình và trên trang thông tin điện tử, lựa chọn những thông tin tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, gần gũi với người dân.

Nội dung tuyên truyền thay đổi theo tuần, tháng, hàng quý, chủ yếu tập trung về chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phương thức trồng trọt phát triển kinh tế hay các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo.

Có thể thấy, việc hỗ trợ người nghèo, người dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin, sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin đa dạng đã giúp người nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững…