Nan giải "bài toán" nghĩa trang nhân dân - Bài 2: Quy hoạch có, thực hiện khó

Nhóm P.V 06:44, 29/11/2024

Trong triển khai xây dựng nông thôn mới, nghĩa trang nhân dân là một trong những chỉ tiêu của tiêu chí Môi tường. Chỉ tiêu này được xem là đạt khi nghĩa trang nhân dân được xây dựng theo quy hoạch, được cấp thẩm quyền phê duyệt và có quy chế quản lý. Quy định là thế nhưng trên thực tế, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn tồn tại hàng trăm nghĩa trang không có quy hoạch hoặc quy hoạch bất hợp lý. Việc đưa các phần mộ về nghĩa trang tập trung là không dễ bởi liên quan đến yếu tố truyền thống, lịch sử và tâm linh.

Dù được xây dựng từ lâu, nhưng hiện tại Nghĩa trang xóm Tân Sơn, xã Cúc Đường (Võ Nhai) vẫn chưa có mộ, mà chỉ có cỏ mọc đến ngang người.
Dù được xây dựng từ lâu, nhưng hiện tại Nghĩa trang xóm Tân Sơn, xã Cúc Đường (Võ Nhai) vẫn chưa có mộ, mà chỉ có cỏ mọc đến ngang người.

Khó quy về một mối

Tháng 4 vừa qua, xã Cúc Đường (Võ Nhai) tổ chức đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Về vấn đề nghĩa trang nhân dân (NTND), xã đã quy hoạch thực hiện tại 4/5 xóm. Trong đó, nghĩa trang xóm Tân Sơn xây dựng từ năm 2022; các xóm còn lại đang khó khăn về giải phóng mặt bằng. Riêng xóm Mỏ Chì với 100% hộ người dân tộc Mông trên núi không thể thực hiện do địa hình chia cắt, độ dốc cao; nếu quy hoạch tại nơi bằng phẳng thì lại ở xóm khác nên bà con không đồng ý.

Tại thời điểm chúng tôi có mặt tại nghĩa trang Tân Sơn, trên quy mô rộng khoảng 1,5ha, dự án mới chỉ có cổng và một phần tường rào phía trước cùng nhà tưởng niệm. Bên trong nghĩa trang là cỏ dại mọc đến ngang người, tuyệt nhiên không có một ngôi mộ nào. Cách đó chừng 500m, một ngôi mộ mới được xây dựng tại một khu vực được gọi là nghĩa trang cũ của xóm. Tuy nhiên, đây chỉ là một khoảng đất trống ở sườn đồi, không có cổng, tường bao hay công trình nào được xây dựng. Theo người dân địa phương, các ngôi mộ ở nghĩa trang cũ chủ yếu từ nơi khác chuyển đến, còn người dân trong xóm vẫn chôn cất tại đất của gia đình.

Ông Hoàng Quốc Anh, Chủ tịch UBND xã Cúc Đường: Dù có quy hoạch nhưng theo phong tục hầu hết người dân địa phương vẫn mai táng người thân tại vườn bãi của gia đình và không cải táng. Với suy nghĩ chôn cất gần nhà để tiện trông nom khiến nhiều hộ tự “quy hoạch” vài trăm mét vuông đất để làm nghĩa trang gia đình và vẫn canh tác bên cạnh phần mộ.

Tương tự, nghĩa trang xóm Gò, xã Tân Hòa (Phú Bình) có quy mô rộng hơn 5.000m2. Mặc dù đã quy hoạch và xây dựng tường bao nhưng số mộ được an táng tại đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay gần đó là một số nghĩa trang gia đình với các ngôi mộ được xây kiên cố, có hàng rào, khu vực trồng cây cảnh, hoa...

Ông Đồng Văn Bái, Trưởng xóm Gò, xã Tân Hòa: Công trình nghĩa trang của xóm đang vừa thiết kế vừa thi công. Chúng tôi dự kiến sẽ phân lô, quy định khoảng cách và chiều cao để đảm bảo các ngôi mộ đồng đều về thiết kế, kích thước. Việc quy tập các phần mộ vào nghĩa trang tập trung sẽ cần thời gian dài để tuyên truyền, vận động bà con.

Quy định quản lý còn lỏng lẻo

Là một trong những chỉ tiêu trong xây dựng NTM, cơ bản các địa phương trong tỉnh đều đã có quy hoạch và triển khai thực hiện NTND. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế thì việc quản lý đối với nội dung này vẫn còn lỏng lẻo, thiếu những quy định mang tính ràng buộc để người dân thực hiện quy củ.

Trở lại với xã Tân Hòa (Phú Bình), địa phương này có 14 xóm với 12 NTND (có 3 xóm có chung một nghĩa trang). Phó Chủ tịch UBND xã Tạ Quang Đạt thông tin: Tổng diện tích các nghĩa trang trên địa bàn khoảng 6,7ha. Hiện, chúng tôi quy hoạch được 2 NTND tại xóm Giếng Mật và Vàng Ngoài với tổng diện tích khoảng 4,75ha (trên cơ sở nghĩa trang cũ); số còn lại tồn tại từ trước đó. Đối với việc quản lý nghĩa trang, chủ yếu do các xóm đứng ra thực hiện, chưa phân công người làm quản trang.

Còn với huyện vùng cao Võ Nhai, theo thống kê sơ bộ hiện có khoảng 140 NTND đã được quy hoạch trên cơ sở mở rộng những nghĩa trang đã có (trung bình mỗi xóm có 1 NTND). Tuy nhiên, công tác đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng tại các NTND còn khiêm tốn, do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, kinh phí đầu tư.

Số lượng mộ trong Nghĩa trang xóm Gò, xã Tân Hòa (Phú Bình) chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Số lượng mộ trong Nghĩa trang xóm Gò, xã Tân Hòa (Phú Bình) chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bên cạnh đó, việc hình thành các nghĩa trang tập trung cũng khá khó khăn, nhất là tại 6 xã phía Bắc của huyện do phần đông dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số với phong tục chôn cất người mất ở gần nơi ở. Do vậy, cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân.

Bên cạnh các NTND, trên địa bàn tỉnh có hàng chục nghìn ngôi mộ nằm rải rác trên các cánh đồng hoặc trong khu dân cư. Từ năm 2019, UBND tỉnh đã có quyết định ban hành quy chế quản lý nghĩa trang, cơ sở hỏa táng trên địa bàn. Trong đó quy định rõ yêu cầu đối với xây dựng nghĩa trang (tỷ lệ đất cho các khu chức năng, diện tích đất tối thiểu các ngôi mộ, thu gom và xử lý chất thải…); việc cải tạo và đóng nghĩa trang và đặc biệt là vấn đề sử dụng và quản lý nghĩa trang.

UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý, xây dựng và sử dụng nghĩa trang theo phân cấp; tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng nghĩa trang trên địa bàn theo địa giới hành chính…

Tuy vậy, thực tế là nhiều địa phương vẫn chưa xây dựng được quy chế quản lý, định mức cho các phần mộ nên người sử dụng còn tùy tiện, xây dựng không theo hàng lối và khoảng cách nhất định; nhiều nghĩa trang chưa có ranh giới rõ ràng với các khu vực xung quanh, không có tường bao, rãnh thoát nước, đường đi và hệ thống cây xanh, không phân khu hung táng, cát táng riêng. Quy định chôn cất và cải táng phần mộ trong nghĩa trang hay người quản trang… cũng còn lỏng lẻo.

Rào cản về tâm lý, phong tục

Nói về những hạn chế, bất cập trong việc quản lý, sử dụng NTND, ông Lê Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) đánh giá: Xã có tới trên 70% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Dao. Việc tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn, trở ngại do rào cản về tâm lý, phong tục của người dân đã hình thành từ rất lâu, không dễ thay đổi. Một vài dân tộc thiểu số có quan niệm khi an táng sẽ “đào sâu, chột chặt”, nên để di chuyển phần mộ trên đất nông nghiệp hay nghĩa trang tự phát vào NTND khó thực hiện.

Thực trạng về NTND ở Hợp Tiến cũng là “bài toán” khó ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là các xã khu vực miền núi, vùng cao nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tâm lý, phong tục tập quán là rảo cản chính khiến việc quy tập các phần mộ vào nghĩa trang tập trung khó khăn.

Trên nhiều cánh đồng, mộ nằm xen với đất canh tác nông nghiệp của người dân.
Trên nhiều cánh đồng, mộ nằm xen với đất canh tác nông nghiệp của người dân.

Bao đời nay, người dân trên địa bàn tỉnh vẫn chọn hình thức địa táng, vì ngoài yếu tố tâm linh, phong tục, thì sự chi phối về kinh tế cũng ảnh hưởng không nhỏ vì kinh phí hỏa táng cao hơn khá nhiều với địa táng. Trong nếp nghĩ của người còn sống hay lời trăn trối của người chết trước lúc ra đi đều muốn nơi an nghỉ cuối cùng phải là nơi “chôn nhau cắt rốn” và được “nằm cùng” với các bậc tiên sinh.

Cũng bởi vấn đề tâm linh khi động chạm đến mồ mả, nên công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện di dời phần mộ đến nghĩa trang tập trung cần thời gian và sự kiên trì. Cũng vì thế mà việc đóng cửa, dừng hoạt động đối với các nghĩa trang không còn diện tích sử dụng, gây ô nhiễm môi trường và không trong quy hoạch cũng cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương.