Với sự hiểu biết và nhiệt tình của mình, ông Trần Xuân Điển, Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng xóm Cà Phê, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) đã tích cực phổ biến kiến thức, hỗ trợ người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số, công cụ số một cách hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của cộng đồng.
Ông Trần Xuân Điển (người ngồi giữa) hướng dẫn người dân xóm Cà Phê sử dụng dịch vụ công trực tuyến. |
Sinh năm 1970, ông Trần Xuân Điển đã nhiều năm làm Trưởng xóm Cà Phê. Thực hiện chuyển đổi số, năm 2022, ông được lựa chọn trở thành tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) của xóm. Xóm Cà Phê có 322 hộ, với 1.273 nhân khẩu, trong đó người dân làm nông nghiệp chiếm 78%.
Bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ đưa công nghệ số đến với cộng đồng, ông và 7 thành viên tổ CNSCĐ gặp không ít khó khăn vì người dân phần lớn làm nông nghiệp, chưa tiếp cận nhiều với những tiện ích mà công nghệ số mang lại. Bản thân các thành viên tổ CNSCĐ cũng còn hạn chế về kiến thức, chưa có nhiều kinh nghiệm truyền tải kỹ năng số cho người dân.
Với kinh nghiệm sống của mình, ông Điển luôn suy nghĩ tìm ra cách phù hợp để tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiểu và thực hiện chuyển đổi số. Ông đã tích cực vận động người dân thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, cài đặt các tài khoản ứng dụng trực tuyến như: C-Thái Nguyên và tài khoản định danh điện tử VneID…
Bà Nguyễn Thị Hoa, người dân trong xóm cho biết, để hướng dẫn chúng tôi, ông Điển đã đưa ra những ví dụ gần gũi và dễ hiểu. Ví dụ như về dùng tài khoản và thanh toán trực tuyến, ông Điển đã phân tích rằng: Nếu dùng tiền mặt mà trả nhầm sẽ rất khó lấy lại, trong khi chuyển khoản thì luôn có lịch sử giao dịch rõ ràng.
Ông cũng chỉ ra sự vất vả của việc đếm nhiều tiền khi bán một con bò so với việc chỉ cần nhận thanh toán chuyển khoản… Nhiều lần nghe ông Điển và Tổ CNSCĐ tuyên truyền về CĐS, tôi thấy rất hữu ích, tiện lợi nên tôi cũng mạnh dạn thực hiện theo. - Bà Nguyễn Thị Hoa
Còn chị Trần Thị Lệ, nhiều năm bán tạp hóa, thì cho biết: Nhờ cách truyền đạt gần gũi, dễ hiểu và uy tín của ông Điển, người dân trong xóm tin tưởng và làm theo, trở nên sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số. Như gia đình tôi đã đưa vào sử dụng mã quét QR để thanh toán tiền ngay khi được ông Điển và Tổ CNSCĐ vận động. Trước đây tôi cần rất nhiều tiền lẻ để trả lại khách hàng và bận rộn với việc đếm tiền, chốt tiền cuối ngày. Nhưng nay, khách hàng nhà tôi thường xuyên chuyển tiền qua mã QR, do đó, việc chốt tiền cuối ngày trở nên dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả hơn hẳn.
Chia sẻ về vận động người dân cùng lan tỏa công nghệ số, ông Điển cho biết: Tôi và các thành viên đã dùng cách tuyên truyền cụ thể, hướng dẫn từng bước cho người dân. Trước tiên là tổ chức đi tuyên truyền, vận động nhân dân tại các nơi tập trung đông người và kiên trì đến từng nhà vận động người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng số…
Đối với các gia đình, chúng tôi bắt đầu hướng dẫn từ người trẻ rồi mới đến người lớn tuổi. Chúng tôi cũng thống nhất phân công các thành viên cao tuổi, có uy tín trong cộng đồng vận động người dân tham gia tập huấn về kỹ năng sử dụng các ứng dụng số. Các thành viên trẻ tuổi thì đảm nhiệm việc trực tiếp cài đặt hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng số. - Ông Trần Xuân Điển
Bằng cách làm đó, nhiều người dân trong xóm nhận thấy việc sử dụng các ứng dụng số dễ dàng và ít tốn thời gian hơn, cảm nhận được giá trị, lợi ích thiết thực mang lại từ chuyển đổi số trong đời sống hàng ngày.
Qua sự hỗ trợ của ông Điển và các thành viên tổ CNSCĐ, bà con xóm Cà phê đã mạnh dạn tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến cũng như học cách bảo vệ dữ liệu cá nhân, phòng tránh bị lừa đảo trực tuyến...
Nhiều người trong xóm đã thường xuyên thanh toán tiền điện, nước, học phí cho con cháu, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tham gia các sàn thương mại điện tử ngay trên điện thoại của mình.
Đến nay, ông Điển và Tổ đã hướng dẫn được 250 công dân cài đặt định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2; 178 công dân thực hiện cài đặt và nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công; cài đặt 376 địa chỉ số; xóm đã tạo nhóm zalo với 293 thành viên để triển khai các công việc chung nhanh chóng, hiệu quả. |
Bên cạnh đó, trên 90% người dân trong độ tuổi có tài khoản ngân hàng; 100% cán bộ hưu trí nhận lương hưu, người nhận trợ cấp xã hội hàng tháng thông qua tài khoản, không dùng tiền mặt; nhiều hộ dân tự giới thiệu sản phẩm chè, thiết lập kênh bán hàng trên môi trường mạng…
Với vai trò là Trưởng xóm và Tổ trưởng tổ CNSCĐ, ông Điển đã đề xuất với cấp ủy lắp đặt camera giám sát an ninh trật tự ở các ngã ba, ngã tư đường trục chính của xóm. Hiện nay, xóm đã lắp đặt 13 camera giám sát, góp phần đảm bảo an ninh trật tự chung. Kết quả này đã giúp cho người dân xóm Cà Phê có cuộc sống tiện lợi hơn, giải quyết các công việc liên quan với chính quyền hiệu quả hơn, từ đó từng bước hướng đến xây dựng xã hội số, công dân số.
Ông Vũ Văn Mác, Chủ tịch UBND xã Minh Lập cho biết, Tổ CNSCĐ xóm Cà Phê là tổ hoạt động tích cực và hiệu quả, góp phần đắc lực cùng xã thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số. Đặc biệt, ông Trần Xuân Điển với vai trò là tổ trưởng tổ CNSCĐ đã không ngại khó khăn và luôn sáng tạo trong cách thức tuyên truyền, vận động đưa công nghệ số đến với người dân đã góp phần quan trọng phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia vào quá trình CĐS.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin