Tích cực tuyên truyền, giám sát quy trình rà soát hộ nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc giúp các địa phương triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
5 năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên có hơn 22.000 người lao động được tạo việc làm mới/năm. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cho người lao động. |
Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp và các tổ chức thành viên đồng thuận vào cuộc, tích cực tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, đảng viên và người dân các quy định trong công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, hộ không may rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Trực tiếp tại hơn 2.250 xóm, tổ dân phố của tỉnh, các thành viên ban công tác mặt trận đã vào cuộc linh hoạt, tổ chức tuyên truyền thông qua các buổi họp dân; qua hệ thống loa truyền thanh và các mạng xã hội.
Thông qua tuyên truyền, nhận thức của đại bộ phận nhân dân được nâng cao. Từ đó tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương trong rà soát hộ nghèo. Hầu hết các hộ đã có ý thức cung cấp cho đoàn giám sát, kiểm tra thông tin đầy đủ, chính xác. Nhờ vậy, công tác rà soát hộ nghèo của tỉnh đảm bảo đúng quy trình, công khai, dân chủ, công bằng, đảm bảo lợi ích cho người dân.
Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đánh giá được chính xác mức thiếu hụt về thu nhập, về dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; giúp chính quyền địa phương triển khai thực hiện chất lượng hơn các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội.
Để công tác giám sát có chất lượng, từ tháng 8, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch giám sát việc thực hiện Dự án 1, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Nội dung giám sát tập trung vào kết quả giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; công tác tham mưu ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn triển khai thực hiện; công tác tham mưu lập, thẩm định, phê duyệt, giao dự toán thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021-2025; việc lập danh sách các đối tượng thụ hưởng của Dự án; việc giao và bàn giao hỗ trợ đất ở, nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề, hỗ trợ nước sinh hoạt; những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân tồn tại để trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị và đưa ra được giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình trong những năm tiếp theo.
Đại diện các cơ quan chức năng giám sát quy trình rà soát hộ nghèo tại xã Phương Giao (Võ Nhai) năm 2024. |
Đến nay, đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh đã hoàn thành công tác giám sát trực tiếp đối với Ban Dân tộc tỉnh; giám sát thông qua báo cáo đối với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và UBND các huyện, thành phố; đồng thời tổ chức đoàn khảo sát tại 2 huyện Định Hóa và Võ Nhai.
Kết quả giám sát, khảo sát cho thấy hầu hết các đơn vị đều triển khai thực hiện nghiêm túc, có chất lượng các nội dung nhiệm vụ được giao. Điển hình như Ban Dân tộc tỉnh trong 2 năm 2022-2023, đã triển khai thực hiện đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 28 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ cho hơn 6.000 hộ về nhà ở, chuyển đổi nghề, vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và nước sinh hoạt phân tán, với tổng kinh phí hơn 111,5 tỷ đồng.
Cùng thời gian này, huyện Định Hóa có tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 20,2 tỷ đồng. Các dự án được triển khai gồm: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, truyền thông và giảm nghèo về thông tin.
Còn tại huyện Võ Nhai, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã thực hiện giám sát tại xã Phương Giao. Từ nguồn kinh phí được giao, địa phương thực hiện hỗ trợ trâu sinh sản cho 20 hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ về nhà ở cho 37 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng.
Ghi nhận trong quá trình thực hiện rà soát, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và triển khai vốn xây dựng công trình phúc lợi tại các vùng khó khăn của tỉnh, các đơn vị, địa phương được giám sát đã xây dựng được kế hoạch công tác giảm nghèo, tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về giảm nghèo, việc làm và giáo dục nghề nghiệp.
Các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi được triển khai thực hiện theo quy định, đảm bảo đúng đối tượng. Qua đó tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và công tác giảm nghèo ở địa phương. Góp phần làm thay đổi nhận thức, giúp người nghèo có việc làm, tạo thu nhập ổn định để thoát nghèo bền vững.
Năm 2023, toàn tỉnh Thái Nguyên giảm 1,33% hộ nghèo, vượt 0,33% kế hoạch. Hộ cận nghèo giảm 0,82%, vượt 0,42% kế hoạch. Hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 2%, đạt 100% kế hoạch. Năm 2024, tỉnh đề ra mục tiêu giảm 0,8% số hộ nghèo. Giảm 0,23% hộ cận nghèo; giảm 2% hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin