Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội trở thành công cụ quan trọng giúp thanh niên kết nối, học hỏi và phát triển bản thân. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như thông tin tiêu cực, tin giả và hành vi không lành mạnh. Do đó, việc định hướng để thanh niên sử dụng mạng xã hội đúng cách, góp phần lan tỏa điều tốt đẹp, ngăn chặn nội dung xấu độc là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.
Thái Nguyên có khoảng 300.000 đoàn viên, thanh niên từ 16 đến 30 tuổi, chiếm hơn 21% dân số. Đây là nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội phổ biến nhất với mục đích giao lưu, học tập và kinh doanh.
Các nền tảng như: Facebook, Zalo, Instagram, TikTok, YouTube trở thành không gian để họ thể hiện cá tính, kết nối cộng đồng và tham gia vào các phong trào xã hội. Nhiều bạn trẻ tận dụng mạng xã hội để phát triển kinh doanh, trau dồi kỹ năng mới và lan tỏa thông tin về văn hóa, thể thao, thiện nguyện, góp phần xây dựng một cộng đồng giàu giá trị nhân văn.
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng mang đến không ít thách thức. Do thiếu nhận thức và kỹ năng xử lý thông tin, nhiều thanh niên dễ bị ảnh hưởng bởi tin giả, nội dung tiêu cực, thậm chí bị thao túng bởi các thông tin xuyên tạc.
Việc "câu like", "câu view" bằng tin sai sự thật không chỉ gây nhiễu loạn thông tin mà còn tác động xấu đến nhận thức của giới trẻ. Khi chưa đủ kinh nghiệm để phân biệt thông tin chính xác, thanh niên dễ rơi vào trạng thái hoang mang, bị dẫn dắt bởi các luồng dư luận sai lệch.
Trước thực tế này, các cấp bộ đoàn của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên sử dụng mạng xã hội một cách tích cực và hiệu quả. Hơn 400 fanpage trên nền tảng mạng xã hội Facebook đã được xây dựng để cung cấp thông tin chính xác và bổ ích cho đoàn viên, thanh niên.
Các trang này không chỉ chia sẻ các hoạt động xã hội mà còn khuyến khích thanh niên tham gia các phong trào xây dựng cộng đồng, phát triển bản thân. Các hoạt động ngăn chặn, xử lý và xóa bỏ thông tin xấu độc cũng được thực hiện thường xuyên nhằm tạo ra môi trường mạng trong sạch, lành mạnh.
Bên cạnh đó, việc lan tỏa những câu chuyện về thanh niên ứng xử văn minh trên không gian mạng, gương người tốt, việc tốt cũng được thực hiện thông qua các kênh truyền thông như website, Facebook, Zalo. Các buổi tuyên truyền được tổ chức nhằm trang bị kiến thức giúp thanh niên nhận diện tin giả, hiểu rõ thủ đoạn của các đối tượng xấu nhằm tự bảo vệ mình khi sử dụng mạng xã hội.
Anh Dương Văn Duyên, Phó Bí thư Huyện đoàn Phú Bình, chia sẻ: Chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền với các hình thức khác nhau. Đoàn viên, thanh niên được trang bị kiến thức để nhận diện thông tin xấu, độc, hiểu rõ các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng xấu lợi dụng mạng xã hội để phát tán tin tức sai lệch. Họ cũng được hướng dẫn cách sử dụng mạng xã hội một cách an toàn và hiệu quả; cách nhận diện thông tin liên quan đến những vấn đề nóng, nhạy cảm đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Cùng với việc phòng chống tin xấu, nhiều hoạt động giáo dục truyền thống cũng được triển khai. Anh Vi Mạnh Công, Bí thư đoàn xã Văn Hán (Đồng Hỷ), cho biết: Đoàn xã tổ chức các chuyến thăm di tích lịch sử, gặp gỡ nhân chứng lịch sử để thanh niên hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình. Đồng thời khuyến khích họ sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, chỉ chia sẻ thông tin có nguồn gốc rõ ràng để bảo vệ giá trị đạo đức và xây dựng môi trường mạng tích cực.
Nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho thanh niên, Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ, giúp các bạn trẻ khai thác tối đa lợi ích của công nghệ số. Họ cũng được khuyến khích sáng tạo và lan tỏa nội dung tích cực, từ đó góp phần xây dựng một cộng đồng mạng văn minh, lành mạnh.
Đặc biệt, cuộc vận động "Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp" đã được triển khai hiệu quả, kêu gọi thanh niên có trách nhiệm khi đăng tải thông tin trên mạng. Các cấp bộ đoàn đẩy mạnh việc giới thiệu gương thanh niên tiêu biểu, người tốt, việc tốt, đặc biệt là những bạn trẻ khởi nghiệp thành công, thông qua báo chí và các nền tảng số. Những nội dung này không chỉ góp phần định hướng tư tưởng mà còn tạo động lực cho giới trẻ phát triển bản thân.
Anh Hoàng Anh Đức, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: Chúng tôi không chỉ tập trung nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên mà còn khuyến khích họ trở thành những người tạo ra nội dung tích cực, lan tỏa các giá trị tốt đẹp. Khi mỗi bạn trẻ có ý thức trách nhiệm với những gì mình chia sẻ, mạng xã hội sẽ trở thành một môi trường lành mạnh, góp phần xây dựng một cộng đồng văn minh và tiến bộ. Đồng thời nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống suy thoái về đạo đức, lối sống, hướng đến mục tiêu “phủ xanh” không gian mạng và xây dựng hình mẫu thanh niên Thái Nguyên năng động, bản lĩnh trong thời đại mới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin