Học kỳ II năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 3.077 học sinh (HS) được Nhà nước hỗ trợ mỗi em 15kg gạo/tháng. Chính sách này là nguồn động viên rất lớn cho HS và gia đình, giúp các trường duy trì sĩ số lớp học, nhất là nỗi lo vào thời điểm "Tháng ba, ngày tám” vẫn còn ở một số xóm, bản vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Giáo viên Trường THPT Trần Phú (Võ Nhai) tiếp nhận gạo hỗ trợ học sinh. |
Ngay sau khi xe vận chuyển gạo của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Thái đến điểm tập kết tại Trường THPT Trần Phú, xã Cúc Đường (Võ Nhai), đơn vị vận chuyển nhanh chóng bốc dỡ 23.925kg gạo phân bổ cho Trường. Các thầy, cô giáo, HS cũng nhanh tay phụ giúp bê từng bao gạo xuống xe, xếp gọn gàng trước sân trường và bắt đầu giao gạo cho những HS không ở bán trú. Gương mặt của HS rạng rỡ khi được nhận gạo của Chính phủ. Ngoài khu vực cổng trường rất nhiều phụ huynh HS đứng chờ cấp phát gạo để mang về nhà.
Tôi nhớ như in ánh mắt và nụ cười của em Vương Thị Phương, dân tộc Mông ở xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc, HS lớp 11A3, Trường THPT Trần Phú. Em đã không giấu được sự mong ngóng khi đi nhận gạo hỗ trợ. Đã từ lâu, mỗi tuần về nhà, Phương không còn phải lo mang theo gạo xuống trường nữa. Gạo được cán bộ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Thái phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo vận chuyển đến tận tay HS. Những bữa cơm thơm dẻo đón chờ các em sau mỗi buổi học, giúp các em có sức khỏe để nỗ lực học tập.
“Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã cho gạo để các con chúng tôi được đến trường. Dù nghèo đến mấy cũng phải cố gắng cho con đi học để lấy cái chữ, sau này về giúp gia đình thoát nghèo, vươn lên”- Chị Triệu Thảo Soạn, dân tộc Dao ở xóm Nà Ca, xã Sảng Mộc, phụ huynh em Nông Văn Du, lớp 11A2, vừa quệt mồ hôi vừa nói.
Cùng con trai khênh bao gạo lên xe máy, anh Ma Văn Anh, ở xóm Bản Rãi, xã Nghinh Tường, phấn chấn: Gia đình tôi có 2 cháu trai, cháu lớn trước cũng học ở Trường THPT Trần Phú đã tốt nghiệp, sau khi học nghề giờ có việc làm ổn định ở TP. Thái Nguyên. Cháu thứ hai là Ma Văn Sáng, hiện đang học lớp 10A1. Cả 2 cháu đi học đều được hưởng nhiều chế độ, chính sách của Nhà nước, của tỉnh. Nếu không có các chính sách ưu đãi, tôi nghĩ tỷ lệ học sinh ở khu vực này đi học sẽ không cao vì phần lớn gia đình là hộ nghèo.
Tham gia cùng HS nhận gạo về cho lớp rồi chia cho các gia đình, cô giáo Hoàng Thị Huyền, chủ nhiệm lớp 11A4, Trường THPT Trần Phú, cho biết: Tổng số lớp tôi chủ nhiệm có 34 HS thì có tới 25 HS được hỗ trợ gạo theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định số 116). Năm học 2022-2023, Trường THPT Trần Phú có 465 HS thì có tới 319 em được hỗ trợ gạo theo Nghị định số 116.
Niềm vui của học sinh khi nhận gạo hỗ trợ. |
Cô giáo Âu Thị Huế, Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết: Học sinh của Trường phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Cao Lan, Sán Chí; tỷ lệ HS thuộc diện hộ nghèo chiếm gần 30%; 83% HS được miễn, giảm học phí. Khu nội trú của Trường hiện có 110 HS ở, chúng tôi ưu tiên cho những HS con em đồng bào dân tộc ít người, hộ nghèo, gia đình ở khu vực III. Việc Nhà nước hỗ trợ gạo hàng tháng đã giúp gia đình các em giảm bớt gánh nặng tài chính. Về phía nhà Trường, chính sách hỗ trợ nhân văn này đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có trên 3.000 HS của 50 trường thuộc 6 huyện, thành phố được hỗ trợ gạo theo Nghị định số 116 với tổng số 411.345kg gạo. Để nguồn gạo cấp hỗ trợ của Nhà nước đến kịp thời, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo hướng dẫn các đơn vị trường học tổ chức tiếp nhận để cấp phát cho HS đúng đối tượng, đúng định mức quy định.
Qua thực tế tại các đợt cấp phát gạo, chúng tôi nhận thấy công tác kiểm tra gạo dự trữ quốc gia rất chặt chẽ. Các nhà trường đều thành lập ban tiếp nhận, quản lý, sử dụng gạo hỗ trợ cho HS, gồm có đại diện ban giám hiệu, công đoàn, đoàn thanh niên, giáo viên chủ nhiệm và đại diện phụ huynh… để giám sát. Số lượng gạo hỗ trợ luôn được công khai. Các trường nội trú, bán trú đã lựa chọn nhà kho, các phòng cao, khô ráo, kê lót để bảo quản gạo phục vụ việc nấu ăn cho HS ở trường.
Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Thái cũng thành lập ban chỉ đạo công tác xuất gạo hỗ trợ HS để xây dựng kế hoạch, phương án vận chuyển, giao, nhận gạo đảm bảo khoa học, đúng tiến độ thời gian.
Trong quá trình xuất cấp, giao nhận gạo hỗ trợ, các đoàn công tác của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Thái phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xuống tận các điểm giao gạo, các trường học để kiểm tra công tác giao nhận, xuất cấp sử dụng, hướng dẫn trường học bảo quản gạo an toàn, tránh bị ẩm mốc.
Gạo đến với các em HS ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn lúc này rất cần thiết. Ngoài việc tiếp sức cho các em đến trường, gạo còn giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có con em đi học đủ lương thực để vượt qua cái đói ngày giáp hạt. Chính sách hỗ trợ gạo cho HS đã giúp các trường khó khăn trên địa bàn tỉnh giải được bài toán khó về duy trì sĩ số. Mỗi chuyến hàng chở gạo dự trữ quốc gia về hỗ trợ cho các em HS đã và đang nối dài thêm những ước mơ được cắp sách đến trường của HS nghèo ở các xã miền núi, vùng cao.
Hiện toàn tỉnh có 14 xã thuộc khu vực III (Võ Nhai 8; Định Hóa 3; Đồng Hỷ 2; Phú Lương 1); tổng số thôn (xóm) đặc biệt khó khăn là 142. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin