Cải thiện cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn San 07:53, 21/05/2023

Theo kế hoạch của tỉnh Thái Nguyên, năm 2023 sẽ bố trí trên 617 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Có 10 dự án quan trọng giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, ổn định dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào được triển khai. Tất cả hướng đến mục tiêu từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững ở miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Thái Nguyên là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, đời sống của bà con đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, do phần đông cư trú tại miền núi, vùng sâu, vùng xa nên đời sống sinh hoạt, canh tác của đồng bào còn nhiều khó khăn.

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, tỉnh Thái Nguyên quyết tâm trong năm 2023 sẽ triển khai thành công các dự án thiết yếu trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Đó là các dự án quan trọng như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho bà con; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong số 10 dự án quan trọng này có một số tiểu dự án nhằm gỡ khó ngay từ cơ sở và mở ra những định hướng mới trong quá trình cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể kể đến các tiểu dự án: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Năm 2023, bằng các nguồn vốn khác nhau, tỉnh có kế hoạch bố trí trên 617 tỷ đồng dành cho thực hiện 10 dự án nói trên. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 413 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương trên 62 tỷ đồng và trên 141 tỷ đồng vốn chuyển tiếp từ năm trước sang.

Tỉnh chỉ đạo, phải huy động, lồng ghép, bố trí đủ vốn và từng bước tăng chi ngân sách hợp lý để thực hiện các dự án, trong đó tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, an sinh xã hội, phát triển y tế, giáo dục, giảm nghèo... cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng và áp dụng các cơ chế thu hút, tăng cường sự tham gia của người dân, cộng đồng, xã hội, các đoàn thể và tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ các nguồn lực về kỹ thuật và tài chính một cách tích cực, hiệu quả.