Vượt qua cổng trời Lũng Luông, bản Lũng Cà, xã Thượng Nung (Võ Nhai), hiện lên trong màn sương sớm. Lũng Cà nằm giữa thung lũng, được bao quanh bởi núi Bo Bún và Co Đông, quanh năm lảng bảng mây trắng. Lũng núi này cũng là một trong những “vùng lõm” của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Lũng Cà hôm nay có điện, có đường, có cả những người đồng bào đang nỗ lực thay đổi nếp nghĩ, cách làm ăn, cùng với tận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước để dựng cuộc sống ấm no.
Ngoài giờ làm việc, người dân Lũng Cà tham gia nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao. |
Vơi dần khó khăn
Vừa đến đầu bản Lũng Cà, chúng tôi gặp vợ chồng anh Lý Văn Dùng và chị Mã Thị Xinh cùng đứa con út đang giặt quần áo ở công trình nước sạch tập trung. Biết chúng tôi từ xa đến, anh Dùng hồ hởi tiếp đón, rồi giải thích: Giờ đang là mùa khô nên mới phải giặt ở công trình nước tập trung này thôi, còn nước ăn uống, tắm gội tại nhà vẫn đủ. Mùa khác thì chỉ cần téc nước và đường ống được Nhà nước hỗ trợ là đủ dùng cho cả nhà 5 người sinh hoạt. Giờ quanh năm chúng tôi không bao giờ thiếu nước sinh hoạt, bà con không còn phải đi “cõng” nước hàng cây số như trước.
Chị Xinh tiếp lời chồng: Các anh chị lâu lâu mới đến nên dễ nhận ra cuộc sống của bản mình khác lắm rồi. Bây giờ từ trung tâm xã, mình có thể đi xe máy, xe đạp vào bản chứ không cần đi bộ men theo những dốc đá lởm chởm như trước. Thi thoảng, vợ chồng tôi cũng xuống dưới xã bán cân ngô, con gà hay cho cháu nhỏ đi tiêm phòng bệnh. Đường bê tông nên đi loáng cái là đến, không phải mất cả nửa ngày như trước kia.
Giữa chừng cuộc trò chuyện, phóng tầm mắt nhìn ra những thửa ruộng đã được làm cỏ sạch sẽ và đang cày xới, chúng tôi hỏi anh Dùng, chị Xinh về chuyện trồng cấy ở Lũng Cà. Anh Dùng nói: Nhà tôi có 2 sào đất thôi, mùa kia thì trồng lúa, còn vụ này ít nước nên chỉ tiện tra ngô. Mà là giống ngô lai đấy nhé, năng suất phải gấp rưỡi, gấp đôi trước đây. Nhà tôi cũng nuôi bò và con gà, con lợn để cuộc sống bớt khó khăn. Tuy vẫn là hộ nghèo nhưng Tết vừa rồi nhà tôi vẫn đủ bánh chưng, thịt, bánh kẹo chứ không lo đứt bữa như trước.
Đi sâu hơn vào trong bản, chúng tôi bắt gặp những nếp nhà sàn khang trang ẩn hiện trong màn sương sớm. Ở thửa ruộng trước cửa nhà, bà Nông Thị Thông đang nhanh tay thu dọn những cây ngô khô từ vụ cũ để chuẩn bị tra lứa mới.
Bà Nông Thị Thông thu dọn đồng ruộng để chuẩn bị tra ngô vụ mới. |
Bà Thông kể: Vụ ngô vừa rồi tôi thu hơn 100 bao bắp. Giống ngô mới nên hạt nào hạt nấy chắc mẩy, màu vàng bóng đẹp. Số ngô này tôi dành một phần để chăn nuôi 4 con bò, phần khác bán bớt cho thương lái. Giờ giá ngô là 7-8 nghìn đồng/kg nên tôi cũng thu được một khoản kha khá.
Hít hà vào lồng ngực cái không khí trong lành của vùng cao, phảng phất là hương thơm của chén trà nóng, chúng tôi đem thắc mắc về sự đổi khác của Lũng Cà hỏi Trưởng bản Ma Hành Du. Anh Du tự hào khoe: Trong “tam lũng” (Lũng Cà, Lũng Hoài, Lũng Luông) thì Lũng Cà giờ là khá nhất rồi. 42 hộ người Mông, người Tày, người Dao với 270 nhân khẩu trước đây toàn bộ là hộ nghèo thì giờ đã giảm còn 22 hộ nghèo. Mấy hộ nghèo, cận nghèo cuộc sống cũng khấm khá hơn trước, không còn hộ bị đói. Cả bản có 115 con bò, 45 con trâu, hơn 100 con lợn, gà thì mỗi nhà có 10-20 con…
Dựng cuộc sống ấm no
Mời chúng tôi nhấp thử ly trà nóng, giọng anh Du như trầm lại: Chỉ độ hơn chục năm trước, cuộc sống của đồng bào ở Lũng Cà gặp vô vàn khó khăn. Thiếu điện, thiếu nước, thiếu cả kiến thức làm ăn, cả bản hầu như toàn hộ nghèo và cận nghèo. Do nằm giữa các dãy núi cao nên giao thông đi lại cũng khó khăn, ngày mưa, nước ào ào chảy từ trên đỉnh dốc xuống, chẳng ai có thể đi lại được, cả bản gần như tách biệt với bên ngoài.
Sự đổi khác chỉ đến khi Nhà nước đầu tư tuyến đường bê tông từ đường trục chính của xã Thượng Nung đi qua xóm Lũng Luông rồi đến Lũng Cà. Sau đó, bản tiếp tục được đầu tư đường điện, công trình nước sạch tập trung.
Hầu hết các hộ ở Lũng Cà đều được hỗ trợ để chăn nuôi trâu, bò. |
Về sản xuất, các hộ được hỗ trợ bò để nuôi vỗ béo hoặc sinh sản, giống cỏ và được cán bộ địa phương “cầm tay chỉ việc” về kiến thức chăn nuôi, thú y. Một số hộ khác thì được hỗ trợ phân bón, giống ngô lai NK4300, CP511 hay giống lúa lai Nhị ưu 838 để trồng cấy đạt năng suất cao.
Ông Trương Văn Páo nhẩm tính: Lúa cũ thì mỗi sào được 3 bao thóc thôi, giống lúa mới thì được 4,5-5 bao/sào. Còn ngô giống mới cũng cho năng suất gấp đôi, được 15 bao bắp/1kg giống, thay vì 6-7 bao trước kia. Chúng tôi cũng biết luân canh mùa vụ, bón phân để nuôi đất thay vì làm ăn “thuận theo ý trời” như trước.
Anh Du nói thêm: Không chỉ cách làm ăn, người dân trong bản cũng thay đổi dần tư duy. Thay vì chỉ làm ăn quanh bản như trước, vài người đã mạnh dạn đăng ký đi làm công ty và có thu nhập khá. Hay như trước kia nhiều hộ không muốn thoát nghèo, nhưng mấy năm gần đây, bà con đã có nhận thức hơn, vài hộ còn đăng ký phấn đấu thoát nghèo. Ngoài ra, năm 2018, người dân Lũng Cà đóng góp 1,5 triệu đồng/hộ để làm 300m đường bê tông trục xóm; sau đó tiếp tục đóng góp tổng số 110 triệu đồng để xây dựng nhà văn hoá và hiến trên 1.000m2 đất để làm các công trình trên.
Khi chúng tôi hỏi về tương lai của Lũng Cà, anh Du nói: Còn khó khăn chứ! Chỉ với 12ha đất có thể canh tác, Lũng Cà vẫn thiếu đất sản xuất lắm. Thêm nữa là cấy lúa vẫn phải chờ nước trời nên vụ được, vụ mất. Tỷ lệ hộ nghèo cũng còn cao... “Nhưng điều may mắn nhất là đồng bào đều đoàn kết một lòng và có ý chí tự lực vươn lên. Chỉ với điều này, chúng tôi hoàn toàn có thể hy vọng vào một tương lai ấm no hơn…” - anh Du quả quyết.
Chúng tôi tạm biệt Lũng Cà khi mặt trời lên đến đỉnh đầu. Những nếp nhà sàn cũ, mới hiện lên rõ nét trong tiết trời trong xanh. Sương đã tan, nắng mới dần lên ở Lũng Cà, gửi gắm theo đó là bao hy vọng vào cuộc sống ngày càng ấm no, sung túc hơn. Đó không chỉ là mong muốn của từng người dân trong bản hay xã Thượng Nung, mà còn là ước vọng chúng tôi cùng gửi gắm vào một tương lai tươi sáng cho Lũng Cà…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin