Hiệu quả từ đổi mới thực hiện chính sách dân tộc

Tùng Lâm 09:35, 03/06/2024

Thái Nguyên hiện có 50 dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống với số người trên 384 nghìn, chiếm gần 30% số dân toàn tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh đã thực hiện tốt việc quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Nhờ đó, các chương trình, chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi được thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả…

Các công trình điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư xây dựng ở xã vùng cao Thượng Nung (Võ Nhai), góp phần quan trọng nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Ảnh: H.C
Các công trình điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư xây dựng ở xã vùng cao Thượng Nung (Võ Nhai), góp phần quan trọng nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Ảnh: H.C

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác dân tộc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Theo đó, tỉnh đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức chính trị và toàn xã hội về công tác dân tộc; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của các cấp, ngành với công tác dân tộc trong tình hình mới.

Đặc biệt, tỉnh đã đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động và toàn thể nhân dân.

Không dừng lại ở đó, Thái Nguyên còn tập trung các nguồn lực phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS, nhất là nhóm DTTS còn nhiều khó khăn và dân tộc thiểu số khó khăn đặc thù. Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I, từ năm 2021-2025).

Tỉnh cũng tập trung xây dựng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ là người DTTS theo yêu cầu công việc và quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước. Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.400 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS, chiếm trên 33% cán bộ, công chức, viên chức trực thuộc các cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh còn khuyến khích người dân vùng đồng bào DTTS tham gia vào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Phát huy vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người có uy tín, trưởng bản, trưởng các dòng họ trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội, nhất là vấn nạn cưới tảo hôn.

Ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, việc kịp thời khen thưởng, biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS cũng đóng vai trò rất quan trọng. Trong năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức hội nghị gặp mặt, biểu dương, khen thưởng 58 đại biểu người DTTS, có uy tín tiêu biểu.

Bên cạnh đó, việc tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Qua đó kịp thời tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, tạo sự thống nhất chung trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Có thể khẳng định, 10 năm trở lại đây, công tác dân tộc ở Thái Nguyên đã được đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc đã tham mưu với UBND các cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, quy hoạch, kế hoach, chính sách đặc thù thuộc vùng DTTS; các chương trình, dự án, đề án phát triển vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng DTTS từng bước được xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đến nay, trên 99% xóm thuộc vùng DTTS và miền núi của tỉnh có đường đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% xóm có điện lưới quốc gia; 100% xã vùng DTTS có trường học kiên cố, trạm y tế…

Đặc biệt, tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo, không xảy ra những điểm nóng phức tạp. Đồng bào vui mừng, phấn khởi khi được Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, doanh nghiệp quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần nhân dịp Tết Nguyên đán cho hộ nghèo, các gia đình chính sách...

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Ông Vũ Xuân Thái, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ, cho hay: Nguồn nhân lực thực hiện công tác dân tộc đóng một vai trò rất quan trọng. Do đó, chúng tôi mong tỉnh tiếp tục chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dân tộc tại cơ sở; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào tích cực thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…