Hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư nâng cấp. Thông tin dữ liệu về nguồn nhân lực địa phương, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và quản lý bảo hiểm thất nghiệp từng bước được tích hợp trên hệ thống. Từ khai thác hiệu quả các ứng dụng công nghệ, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên (Trung tâm) từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả…
Người lao động tìm hiểu thông tin thị trường lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. |
Từ vận hành thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, đồng bộ, các giao dịch giữa người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN) được Trung tâm kết nối thành công, bảo đảm an toàn về bảo mật thông tin cá nhân, DN, đáp ứng kịp thời cung - cầu trong thị trường lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh và bảo đảm an sinh xã hội.
Những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước lựa chọn đến Thái Nguyên cùng hợp tác phát triển, Trung tâm có đóng góp quan trọng trong điều tiết nguồn nhân lực địa phương, làm chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động. Tạo việc làm tốt hơn cho NLĐ; DN cũng lựa chọn được nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Trung tâm không ngừng đổi mới hoạt động, như: thành lập tổ công tác về các vùng sâu, vùng xa của tỉnh, nhất là các xã nghèo, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để khảo sát nguồn nhân lực; nắm bắt chính xác về trình độ, năng lực tay nghề, nguyện vọng về nhu cầu việc làm, nơi làm việc của NLĐ.
Cùng với đó, Trung tâm tăng cường hoạt động phối hợp với các DN, cơ sở giáo dục, đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh để nắm bắt chắc chắn về chỉ tiêu cần tuyển dụng, vị trí việc làm trống, các chế độ chính sách đãi ngộ của DN trả cho NLĐ.
Tất cả những thông tin liên quan đến thị trường lao động được Trung tâm nhập liệu tại phần mềm, quảng bá công khai rộng rãi trên bản tin online của Trung tâm và các nền tảng ứng dụng xã hội. Tạo cho DN và NLĐ thuận lợi tra cứu, dần hình thành thói quen tham gia thị trường lao động.
Không dừng lại ở đó, Trung tâm chủ động mở rộng hợp tác, liên kết với các trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh khu vực phía Bắc. Hiện đã có hơn 10 tỉnh, thành phố ký kết với Thái Nguyên về kết nối cung - cầu lao động; giáo dục, đào tạo nghề.
Vào tháng Tư hằng năm “Tuần cao điểm kết nối cung - cầu lao động” được tỉnh tổ chức, Trung tâm là đơn vị Thường trực, thu hút hàng trăm DN, cơ sở giáo dục, đào tạo nghề và hàng nghìn NLĐ, học sinh, sinh viên trong, ngoài tỉnh tham gia qua hình thức trực tiếp và trực tuyến. Cùng với đó là các phiên giao dịch việc làm trong năm, các giao kết giữa DN và NLĐ được Trung tâm kết nối vào các ngày làm việc trong tuần đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu của các bên tham gia thị trường lao động.
Năm 2022, ngoài Tuần cao điểm kết nối cung - cầu lao động, Trung tâm đã tổ chức thành công 80 phiên giao dịch việc làm, đạt 178% kế hoạch năm. Bao gồm 45 phiên giao dịch việc làm cấp xã, 1 phiên giao dịch việc làm cho bộ đội xuất ngũ, 24 phiên phiên giao dịch việc làm định kỳ, 10 phiên giao dịch việc làm trực tuyến.
Cũng trong năm này, Trung tâm tổ chức 14 hội nghị định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; 10 hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật về việc làm, lao động, kỹ năng làm việc cho người lao động, học sinh chuẩn bị tham gia thị trường lao động; 2 hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm; 1 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho đối tượng học viên cai nghiện chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; 1 hội nghị truyền thông, tư vấn pháp luật, định hướng nghề nghiệp cho đối tượng đặc xá trở về địa phương. Tổ chức tuyển sinh và 3 lớp đào tạo nghề chế biến, bảo quản chè cho 63 lao động nông thôn.
Kết quả, cả năm có hơn 33.000 lượt người được tư vấn chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn định hướng nghề nghiệp và việc làm; 4.200 người được giới thiệu việc làm; 1.500 NLĐ được kết nối việc làm thành công.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin