Hỗ trợ việc làm bền vững cho người lao động

Phạm Ngọc Chuẩn 07:47, 16/05/2023

Thời gian qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được huyện Đồng Hỷ triển khai đồng bộ, đúng quy trình, trong đó có nội dung hỗ trợ việc làm bền vững cho người lao động. Nhờ đó số hộ nghèo trên địa bàn giảm nhanh. Qua rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn huyện hiện còn gần 2.400 hộ nghèo (chiếm 9,8%) và gần 1.600 hộ cận nghèo (chiếm 6,5%).

Sau tham gia lớp đào tạo nghề, thu nhập của nông dân tăng hơn so với trước đó. (Ảnh chụp tại xã Hóa Trung, Đồng Hỷ).
Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề, thu nhập của bà con nông dân tăng hơn so với trước đó. (Ảnh chụp tại xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ).

Từ việc triển khai đào tạo nghề và kết nối việc làm phù hợp cho bà con nông dân, diện mạo nông thôn ở Đồng Hỷ đã nhanh chóng khởi sắc. Bởi sau đào tạo nghề, nhiều nông dân có thêm nghề mới, tăng thu nhập. Còn với lao động nông thôn sau đào tạo vẫn tiếp tục gắn bó nghề cũ, nhờ được trang bị, bổ sung kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi nên bà con sản xuất chủ động hơn và đạt thu nhập cao hơn so với trước đó.

Trong thời gian từ năm 2021 đến nay, các cơ quan chức năng huyện Đồng Hỷ đã tổ chức 12 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với hơn 360 học viên tham dự. Riêng quý I/2023, huyện đã mở 2 lớp đào tạo nghề chế biến chè cho 62  lao động nông thôn tại xã Nam Hòa và xã Văn Hán.

Khi được hỏi, nhiều học viên tâm đắc: Chúng tôi lớn lên bên gốc chè, nhưng làm chè theo kinh nghiệm truyền thống. Còn sau khi tham gia lớp đào tạo nghề, chúng tôi được trang bị, bổ sung kiến thức khoa học về trồng, chế biến chè. "Cái mới nới cái khôn", bà con lao động hiệu quả hơn, năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè cũng tăng lên đáng kể.

Sự kết hợp kinh nghiệm sản xuất và kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến đã tạo cho nông dân Đồng Hỷ một kỹ năng sản xuất phù hợp, làm ra hàng hóa đáp ứng yêu cầu thị trường. 

Cùng với các nhà khoa học còn có đội ngũ tín dụng đồng hành cùng nông dân. Trong thời gian 2 năm gần đây, trên toàn huyện có hơn 2.000 lao động nông thôn được vay vốn phát triển sản xuất, với tổng vốn cho vay hơn 91 tỷ đồng.

Qua kiểm tra việc sử dụng vốn vay, 100% số hộ đều thực hiện đúng mục đích. Trong đó có nhiều hộ đầu tư cho nghề mới, như mở xưởng sản xuất, làm dịch vụ - thương mại.

Từ kinh nghiệm cũng như hiệu quả thực tế, trong triển khai thực hiện xóa giảm nghèo bền vững, bên cạnh đào tạo nghề nông nghiệp, huyện Đồng Hỷ coi trọng “kế sách” đào tạo nghề, hỗ trợ cho lao động nông thôn chuyển đổi nghề mới và tạo việc làm mới, tăng thu nhập. 

Minh chứng bằng việc UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành tập huấn, thu thập thông tin thị trường lao động, dữ liệu cung cầu lao động; tổng hợp, phân tích, lưu trữ, kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội và cung cấp thông tin thị trường lao động làm cơ sở kết nối cung - cầu lao động.

Huyện cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các cơ quan liên quan phát triển đa dạng hình thức giao dịch việc làm, tổ chức hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin về thị trường lao động; tổ chức phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm để định hướng nghề nghiệp, giúp người lao động có thêm cơ hội tiếp cận công việc phù hợp với khả năng của bản thân, tạo thu nhập cho gia đình và phát triển xã hội.

Kết quả, trong 2 năm gần đây, Đồng Hỷ đã tổ chức thành công 1 ngày hội việc làm cấp huyện, 13 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, thị trấn, với tổng số gần 2.700 lượt người lao động tham gia.

Thông qua đó, doanh nghiệp và người lao động được tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, chính xác những thông tin về thị trường lao động; phòng tránh cho lao động nông thôn những rủi ro không đáng có vì bị đối tượng xấu lợi dụng, buôn bán người. Theo đó, người lao động tìm kiếm được việc làm mới, còn doanh nghiệp giải được "cơn khát" về nguồn nhân lực. Từ đó góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương.

- Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện có hơn 45.300 người trong độ tuổi lao động, chiếm 47,86% dân số. Giai đoạn 2020-2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện giảm bình quân 2,35%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến hết năm 2022 đạt 60%, trong đó lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 28%.

- Theo kế hoạch năm 2023, huyện phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%, trong đó lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 28,5%.



Bí quyết tìm việc nhanh du học là gì Trang tạo cv xin việc chuyên nghiệp