An toàn lao động: Điều kiện cần và đủ cho sản xuất bền vững

Ngọc Chuẩn 09:24, 13/05/2023

Hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động (NLĐ) các biện pháp giảm thiểu rủi ro vì mất an toàn trong sản xuất. Mục tiêu xây dựng môi trường làm việc an toàn, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng lao động, NLĐ luôn là điều kiện cần và đủ để các doanh nghiệp phát triển bền vững.

100% người lao động tại Công ty TNHH Một thành viên Vạn Xuân (TP. Sông Công) được Ban Giám đốc ký giao kết hợp đồng lao động.
100% người lao động tại Công ty TNHH một thành viên Vạn Xuân (TP. Sông Công) được Ban Giám đốc ký giao kết hợp đồng lao động.

ATVSLĐ một giải pháp quan trọng nhằm hạn chế được các rủi ro không đáng có về người và tài sản, đồng thời giúp doanh nghiệp khẳng định uy tín trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay được phát động với chủ đề "Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng nơi làm việc". Với địa phương và doanh nghiệp, đây là cơ hội tốt để nhìn nhận lại và nghiêm túc hơn trong triển khai, thực hiện công tác ATVSLĐ.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thường xuyên tuyên truyền, vận động các đơn vị thành viên chấp hành nghiêm túc công tác ATVSLĐ; tích cực đầu tư trang thiết bị bảo hộ an toàn lao động; tổ chức tập huấn đầy đủ cho người lao động; coi an toàn lao động là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp.

Ghi nhận là những năm gần đây, công tác ATVSLĐ đã được các địa phương, doanh nghiệp quan tâm hơn. Điển hình là các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về lao động, ATVSLĐ. Phần lớn doanh nghiệp có ý thức phòng tránh những sự cố dẫn đến tai nạn ngoài ý muốn, bằng cách chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức cho NLĐ tham gia lớp huấn luyện về ATVSLĐ. Kết quả, năm 2022, toàn tỉnh có gần 93.000 NLĐ được huấn luyện về ATVSLĐ, tổng chi phí cho huấn luyện là hơn 2,7 tỷ đồng.

Liên quan tới ATVSLĐ, ngoài con người, còn là hầu hết các thiết bị vật tư có quy trình vận hành nghiêm ngặt, đã được cơ quan chức năng kiểm định, cấp phép hoạt động. Theo đó, các doanh nghiệp cũng đã đầu tư hàng tỷ đồng thực hiện những biện pháp kỹ thuật về ATVSLĐ; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; tuyên truyền, huấn luyện và tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro và mất ATVSLĐ.

Đặc biệt, 162 doanh nghiệp có báo cáo về công tác ATVSLĐ với cơ quan Nhà nước đã phân công, sắp xếp đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên trách, hoặc bán chuyên trách làm công tác ATVSLĐ, với tổng số hơn 1.000 người.

Thành viên Đoàn liên ngành của Hội đồng An toàn - Vệ sinh lao động tỉnh kiểm tra ATVSLĐ năm 2023 tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, còn không ít doanh nghiệp chấp hành còn hình thức, chưa nghiêm túc. Như trong tháng 4-2023, qua kiểm tra tại 8 doanh nghiệp, Đoàn liên ngành của Hội đồng ATVSLĐ tỉnh chỉ ra tổng số 78 lỗi cần phải khắc phục ngay. Các lỗi vi phạm tập trung vào một số nội dung như: Chưa sửa đổi, bổ sung các quy định về mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; chưa chấp hành tổ chức huấn luyện ATVSLĐ đầy đủ cho NLĐ; chưa trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ; chưa có phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ…

Bà Vương Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty CP Đá ốp lát và vật liệu xây dựng (TP. Thái Nguyên): Năm 2022, vì một chút sơ xuất nên tai nạn ngoài ý muốn xảy ra khiến anh Phùng Văn Đại, công nhân của Công ty tử vong. Chúng tôi đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng khắc phục, xây dựng môi trường sản xuất, nhưng sự cố mất an toàn lao động vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, doanh nghiệp.

Cụ thể, trong năm 2022, toàn tỉnh còn xảy ra 138 vụ tai nạn lao động, làm 140 người bị tai nạn, trong đó 24 người chết, 42 người bị thương nặng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn lao động tăng 19 vụ và tăng 29 trường hợp bị tai nạn.

Ngoài thiệt hại về người, các doanh nghiệp còn tổn thất nhiều về tài sản, với tổng số hơn 2.500 ngày nghỉ có liên quan đến tai nạn lao động và gần 2,5 tỷ đồng cho nhiều chi phí liên quan.

Qua phân tích nguyên nhân, có hơn 79% vụ tai nạn do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn; 17% vụ do khách quan, khó tránh; 4% vụ tai nạn còn lại do không sử dụng phương tiện cá nhân và một số nguyên nhân khác.

Nguy cơ dẫn đến mất an toàn cho NLĐ còn trực chờ, có thể ập đến bất cứ lúc nào nếu như doanh nghiệp chủ quan, chưa đầu tư đúng mức trong công tác ATVSLĐ. Ngược lại, trực tiếp NLĐ khi đã được doanh nghiệp trang bị đầy đủ bảo bộ lao động, kiến thức về ATVSLĐ nhưng chủ quan, không chấp hành vì lý do vướng víu, ảnh hưởng đến thao tác công việc... cũng có nguy cơ gặp tai nạn trong quá trình sản xuất. 

Trong khi đó, cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp cơ bản kiêm nhiệm, nên nhiều lúc không tham mưu kịp thời cho Ban Giám đốc về thực trạng mất ATVSLĐ đang tiềm ẩn tại cơ sở sản xuất; không thực sự chú tâm đến việc tham mưu xây dựng phương án xử lý sự cố kỹ thuật dẫn đến mất ATVSLĐ.

An toàn lao động là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà và cả xã hội. NLĐ luôn mong muốn được làm việc trong môi trường an toàn, cũng như được doanh nghiệp quan tâm chăm sóc sức khỏe, tinh thần theo quy định của pháp luật và trên hết là tính mạng của NLĐ. Vì vậy, việc doanh nghiệp quan tâm thật sự đến công tác ATVSLĐ là rất quan thiết. Ngoài trang bị đầy đủ bảo hộ, trang thiết bị ATVSLĐ, NLĐ cần được tập huấn, nâng cao kỹ năng sử dụng các thiết bị an toàn. Đặc biệt là nâng cao được ý thức về công tác ATVSLĐ cho lãnh đạo địa phương, chủ sử dụng lao động và NLĐ.