Sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Phổ Yên trong những năm gần đây đã góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Nhờ đó, thu nhập cũng như đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
Đóng gói sản phẩm sữa tại Công ty CP Elovi Việt Nam (Khu công nghiệp Nam Phổ Yên). |
Theo thống kê, năm 2015, số lao động làm việc trong các ngành kinh tế của Phổ Yên là 99.000 người, trong đó lao động phi nông nghiệp trên 60.000 người, còn lại là lĩnh vực nông nghiệp.
Đến năm 2023, trong tổng số 128.000 người lao động, số lao động phi nông nghiệp là trên 110.000 người, lao động nông nghiệp giảm xuống còn 17.500 người. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động cho thấy, kinh tế TP. Phổ Yên phát triển mạnh theo hướng công nghiệp hóa. Đáng chú ý, phần lớn lao động chuyển từ nông nghiệp sang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp đều tham gia bảo hiểm xã hội. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tính đến hết năm 2023, toàn thành phố còn 769 hộ nghèo, chiếm 1,74%; 1.163 hộ cận nghèo, chiếm 2,63%.
Để có được kết quả trên, thành phố đã tập trung thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, quan tâm chỉ đạo cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và triển khai các dự án mới.
Giai đoạn 2021-2023, thành phố đã đón hơn 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào địa bàn; cấp mới 26 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào các khu công nghiệp (trong đó 12 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 14 dự án vốn đầu tư trong nước), với tổng vốn đăng ký đầu tư 341,9 triệu USD và trên 1.800 tỷ đồng. Thu hút đầu tư ngày càng khởi sắc đã tạo điều kiện thuận lợi để thành phố phát triển công nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Bà Dương Thị Ngọc Mỹ, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Phổ Yên, thông tin: Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và hướng tới mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, thành phố quan tâm tới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động bị thu hồi đất. Giai đoạn 2021-2023, địa phương có hơn 2.000 lao động được đào tạo nghề may mặc, kỹ thuật chế biến món ăn, điện, điện tử…; số lao động tìm được việc làm sau học nghề chiếm trên 80%.
TP. Phổ Yên hiện có hơn 7.000 lao động làm việc tại các làng nghề, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Trong ảnh: Sản xuất đồ mộc tại Làng nghề gỗ mỹ nghệ Cẩm Trà, phường Trung Thành. |
Hằng năm, địa phương cũng phối hợp triển khai hiệu quả ngày hội kết nối cung - cầu lao động; các phiên giao dịch việc làm lưu động; nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp được thông tin kịp thời đến người dân... Riêng năm 2023, toàn thành phố có trên 4.000 lao động được tạo việc làm mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78,5%, trong đó lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ đạt tỷ lệ 45,3%.
Chị Nguyễn Thị Minh Ngân ở xã Vạn Phái cho hay: Năm 2015, thông qua buổi tư vấn, giới thiệu việc làm tổ chức tại xã, tôi được tuyển dụng vào việc làm tại Công ty Samsung Thái Nguyên, với thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/tháng. Công việc ổn định đã giúp cuộc sống gia đình tôi dần được cải thiện.
Cùng với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các dự án hỗ trợ việc làm trên địa bàn thành phố cũng được triển khai lồng ghép với phát triển kinh tế làng nghề, các vùng sản xuất tập trung, nhằm tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân, nhất là khu vực nông thôn. Toàn thành phố hiện có trên 7.000 lao động làm việc tại 33 làng nghề; hơn 5.000 lao động làm việc tại 54 hợp tác xã, với mức thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/người/tháng…
Cùng với đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, TP. Phổ Yê đang tích cực chỉ đạo ngành chức năng xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, dạy nghề; điều tra, rà soát tình hình lao động, việc làm. Trên cơ sở đó khảo sát nhu cầu việc làm của lao động nông thôn để tổ chức dạy nghề, học nghề phù hợp thực tế; nâng cao chất lượng các phiên giao dịch, tư vấn giới thiệu việc làm, trở thành cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Thành phố phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động trong các ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ đạt 90%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%,
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin