Ở xóm Nhà Thờ, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên), nhắc đến vợ chồng anh chị Họa - Mai, nhiều người bày tỏ sự cảm phục. Dù cơ thể khiếm khuyết, sức khỏe hạn chế, song anh chị luôn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế và nuôi các con ăn học. Đặc biệt, anh Nguyễn Văn Họa mới vinh dự là 1 trong 198 người khuyết tật (NKT) trong cả nước vừa được tôn vinh, khen thưởng tại Hội nghị biểu dương NKT, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2016-2020, tổ chức tại Hà Nội.
Gia đình anh Nguyễn Văn Họa (ở xóm Nhà Thờ, xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên) đang canh tác 9.000m2 chè, cây ăn quả, cho thu nhập từ 100-150 triệu đồng/năm. |
Anh Họa tâm sự với chúng tôi trong niềm hân hoan: Dự Hội nghị, tôi được tham gia nhiều hoạt động như viếng Lăng Bác, các chương trình tọa đàm và đặc biệt là gặp gỡ những người cùng cảnh ngộ giàu nghị lực vươn lên. Tôi rất vinh dự và thêm động lực phấn đấu nhiều hơn trong thời gian tới.
Anh bùi ngùi kể về hành trình cuộc đời mình. Anh sinh năm 1971, trong một ra trong một gia đình nghèo, có tới 8 người con, anh là cả. Lúc mới sinh anh vẫn khỏe mạnh bình thường, nhưng khi 2 tuổi thì bị viêm não Nhật Bản, sốt cao, co giật do không được điều trị kịp thời nên bị liệt tay trái, chân phải. Lớn lên không có điều kiện học hành, anh ở nhà phụ giúp bố mẹ, làm việc kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Khó khăn nhất là những năm 2000-2005, khi đó anh mới lập gia đình, có con nhỏ. Được bố mẹ để lại cho 1.000m2 đất làm kế sinh nhai, anh cùng vợ ngày đêm cần mẫn lao động, đào ao thả cá, làm đất trồng chè, cây ăn quả. Có thời điểm vợ con đều ốm đi viện thường xuyên, nhất là sau khi chị bị bệnh viêm khớp dạng thấp, hai bàn tay co tròn khó khăn khi làm việc, một mình anh xoay xở.
Anh kể, những ngày đó tôi chạy đi chạy lại, vừa ra viện với con vừa làm vườn bãi, tranh thủ thời gian đi lượm ve chai tại các bãi rác. Tối về soi đèn lên đồi chè làm cỏ. Một chân bước xập xềnh, một tay bị liệt, nhưng tôi nỗ lực từng chút, từng ngày. Làm được bao nhiêu tiền tôi tích cóp để xây nhà, mua đất mở rộng sản xuất.
Đến nay, gia đình anh đã có 9.000m2 đất, trong đó 7.000m2 trồng chè còn lại nuôi cá và trồng hơn 100 gốc táo đại. Anh là một trong số những người đi đầu ở xóm khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, mua máy phun thuốc trừ sâu sinh học cỡ lớn, áp dụng canh tác chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ. Toàn bộ chè búp tươi được Hợp tác xã chè Hảo Đạt thu mua, với gần 1 tấn mỗi lứa. Do sức khoẻ hạn chế và để cho kịp thời vụ, anh thường thuê từ 5-7 lao động mỗi khi vào vụ thu hoạch. Anh nhẩm tính cả chè, cá, táo, mỗi năm thu lãi 100-150 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Họa (thứ 2 từ trái sang) vinh dự là 1 trong 198 người khuyết tật của cả nước được tôn vinh, khen thưởng tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc, tổ chức tại Hà Nội ngày 11/4/2024. |
Không chỉ là tấm gương NKT tự lực vươn lên, anh Nguyễn Văn Họa còn tích cực tham gia hoạt động xã hội, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ khó khăn hơn mình. Anh hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội NKT TP. Thái Nguyên. Giai đoạn 2017-2023, anh cùng Ban Chấp hành Hội vận động tặng gần 180 suất quà, giúp đỡ tiền, vốn, cây con giống cho 8 hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trao hơn 100 chiếc xe lăn, nạng nẹp, tay giả gỗ... trị giá hàng trăm triệu đồng.
Anh Đoàn Nhật Minh, Chủ tịch Hội NKT TP. Thái Nguyên, cho biết: Anh Họa là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, phát triển kinh tế, nuôi con ăn học. Hai con trai của anh đang xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Anh đã được UBND TP. Thái Nguyên và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khen thưởng vì có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên trong học tập, lao động giai đoạn 2016-2020.
Về phần mình, anh Họa chia sẻ: So với nhiều NKT, tôi thấy mình còn may mắn lắm vì đầu óc minh mẫn, vẫn đi lại được, vì thế vợ chồng tôi động viên nhau dù thế nào cũng không được bỏ cuộc. Tôi luôn nghĩ rằng, mỗi người không thể chọn cách mình sinh ra, nhưng lại có thể lựa chọn cách sống, vì vậy chúng tôi luôn nỗ lực hết mình, vui vẻ tiến về phía trước...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin