Ở tuổi 70, ông Hoàng Văn Toòng (dân tộc Nùng, người có uy tín ở xóm Tân Đô, xã Hòa Bình, Đồng Hỷ) vẫn luôn nhiệt tình với mọi công việc ở địa phương. Với ông, được góp công sức nhỏ bé xây dựng quê hương là niềm vui và hạnh phúc.
Ở tuổi 70, ông Hoàng Văn Toòng (người có uy tín ở xóm Tân Đô, xã Hòa Bình, Đồng Hỷ) vẫn tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình. |
"Già làng" Hoàng Văn Toòng từng có nhiều năm làm trưởng xóm, bí thư chi bộ. Ông cho hay: Từ năm 1991 đến 2009, tôi liên tục được bà con tin tưởng bầu làm trưởng xóm, bí thư chi bộ. Với những kinh nghiệm có được, từ khi trở thành người có uy tín (năm 2009 đến nay), tôi thấy mình có trách nhiệm phải tham gia nhiều hoạt động ở địa phương.
Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của một “già làng” có uy tín, ông Toòng không chỉ đi đầu trong mọi phong trào mà còn tích cực vận động người dân Tân Đô thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cũng nhờ có sự tham gia tuyên truyền, vận đông của ông, không ít vụ việc khó ở Tân Đô đã được giải quyết triệt để. Đơn cử như việc vận động người dân hiến đất, tài sản trên đất để làm nhà văn hóa xóm cách đây gần 3 năm. Thời điểm ấy, có hộ dân không đồng ý chủ trương hiến đất nên xóm không thể tiến hành mở rộng khuôn viên và làm nhà văn hóa kiểu mới. Đặc biệt, có gia đình, cả người bố và người mẹ nhất quyết không hợp tác với chính quyền địa phương. Rất nhiều lần, đại diện các ban, đoàn thể của xóm đã đến trò chuyện cùng “người lớn” trong nhà nhưng đều thất bại. Trong vai trò người có uy tín, ông Toòng đã đích thân đến vận động người con của gia đình, phân tích cho anh thấy được lợi ích của việc xây dựng nhà văn hóa xóm... Là người trẻ, có nhận thức đúng đắn, sau khi được ông Toòng “khai thông”, người con đã đồng ý hiến đất và làm công tác tư tưởng cho bố, mẹ để cả gia đình đều đồng thuận với việc hiến đất, xây dựng nhà văn hóa của địa phương.
Cũng nhờ có sự tiếp sức của ông Toòng trong công tác tuyên truyền, vận động, hơn 10 năm qua, địa phương đã cứng hóa, mở rộng nhiều tuyến đường bê tông khi được bà con tích cực hiến đất, tài sản trên đất... Anh Chu Văn Hưởng, Trưởng xóm Tân Đô, chia sẻ: Tôi luôn tranh thủ ý kiến của ông Toòng để giải quyết các công việc của xóm. Nhiều vụ việc rất khó như hàng xóm, người thân trong gia đình tranh chấp đất đai; vợ chồng bất hòa… nhưng bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, ông Toòng vẫn hòa giải thành công.
Cùng với tham gia vận động, tuyên truyền đạt kết quả tốt, ông Toòng còn tích cực gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Nùng. Ông rất vui khi xóm Tân Đô đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn là nơi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn làng truyền thống dân tộc Nùng. Ngoài việc đóng góp ý kiến với chủ đầu tư và đơn vị thi công trong quá trình xây nhà văn hóa; bảo tồn, tôn tạo đình làng sao cho phù hợp với phong tục, tập quán của dân tộc Nùng, ông còn soạn các bài hát sli, hát lượn cho lớp trẻ tập luyện.
Ông Toòng cho hay: Điệu hát sli, hát lượn là làn điệu dân ca đặc sắc của người Nùng và trở thành nét văn hóa đặc biệt gắn bó trong đời sống của người dân chúng tôi nhiều đời nay. Các điệu hát này không chỉ hát giao duyên của các cặp đôi trẻ mà còn là sợi dây kết nối tình bạn, tình anh em, hát để nói về câu chuyện cũ, để kỷ niệm ngày gặp nhau… Tuy là loại hình văn hóa đặc sắc của dân tộc Nùng nhưng nhiều năm nay, hát sli, hát lượn có nguy cơ bị mai một. Thế hệ trẻ hiện nay không còn mặn mà với các làn điệu dân ca này. Bởi vậy, tôi đã kêu gọi xóm thành lập câu lạc bộ hát sli, lượn, viết lời bài hát để giữ gìn và khôi phục nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Tôi rất vui khi câu lạc bộ của xóm đang hoạt động tích cực.
Không chỉ tham gia nhiều hoạt động của xóm, dù đã bước vào tuổi thất thập, ông Toòng vẫn luôn chỉ bảo con cháu tập trung phát triển kinh tế gia đình, chăm chỉ làm ăn. Ông bảo: Mình là đảng viên, là người có uy tín, mình không tiên phong đi đầu thì nói không ai tin và nghe theo.
Bởi vậy, gia đình ông luôn là tấm gương sáng ở địa phương khi đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi (ngựa bạch, lợn, gà) và cấy lúa, trồng ngô giống mới, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông cũng không ngừng nỗ lực để ngày một hoàn thiện bản thân, thật sự là “trụ cột” vững vàng cho bà con trong xóm… Ông Toòng vinh dự là một trong 19 người được huyện lựa chọn tham dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV, năm 2024, dự kiến tổ chức vào tháng 10 tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin