Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính do luồng khí bị tắc nghẽn ở phổi. Bệnh có thể gây khó thở, suy hô hấp và tử vong. Thái Nguyện hiện có khoảng 1.000 người mắc bệnh này được theo dõi điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Phổi của tỉnh.
Bác sĩ Bệnh viện Phổi Thái Nguyên khám cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang điều trị nội trú. |
Bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện Phổi Thái Nguyên, cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên và phổ biến nhất chính là hút thuốc lá hoặc thuốc lào. Ngoài ra, việc tiếp xúc với môi trường sống, môi trường làm việc bị ô nhiễm, nhiều khói bụi độc hại; có tiền sử mắc các bệnh đường hô hấp như: Hen suyễn, viêm phế quản cấp, bệnh lao… cũng là nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bên canh đó, người bị suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh lý nhiễm trùng; yếu tố di truyền; tuổi tác (người lớn tuổi) cũng dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể gây ra những tổn thương lâu dài cho phổi, nhưng bệnh có thể phòng ngừa cũng như điều trị làm chậm quá trình tiến triển. Ngay khi phát hiện ra dấu hiệu cảnh báo bất thường ở đường hô hấp, người bệnh cần thăm khám sớm tại cơ sở y tế chuyên môn để được kịp thời hỗ trợ, tránh tình trạng xấu đáng tiếc xảy ra.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện tại, trên địa bàn tỉnh có trên 44% số người phát hiện mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được quản lý điều trị theo hướng dẫn chuyên môn. Ông N.V.L, xã Kha Sơn (Phú Bình) - bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cho hay: Tôi được quản lý điều trị tại Bệnh viện Phổi hơn 3 năm nay. Hằng tháng, tôi đến khám theo lịch hẹn của các bác sĩ. Mỗi lần đến đây, các bác sĩ đều tư vấn, kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm các chỉ số và cấp thuốc cho tôi. Nhờ được điều trị theo đúng phác đồ nên tình trạng bệnh của tôi đã thuyên giảm. Thời gian qua, tôi đã kiểm soát được các cơn hen và đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên hầu như không phải nhập viện cấp cứu và điều trị.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, để kiểm soát bệnh, bỏ thuốc lá chính là yêu cầu đầu tiên đối với người mắc phổi tắc nghẽn mạn tính. Song song với đó, để điều trị hiệu quả cho người bệnh, sử dụng khí dung và thuốc uống, kháng sinh, xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ các chất đạm, giàu vitamin A, D, E và khoáng chất (hoa quả, rau xanh…) là rất cần thiết.
Trong trường hợp bệnh nhân trở nặng thì được bác sĩ chỉ định cho thở oxy hoặc thở máy. Đặc biệt, phẫu thuật là phương pháp có thể áp dụng cho người có một số hình thức của bệnh khí thũng nặng hay người không đáp ứng với thuốc…
Các chuyên gia y tế cảnh báo, nguy cơ tử vong ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bị nhiễm COVID-19 là rất cao. Do đó, việc bảo vệ sức khỏe và lá phổi là cấp thiết trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay.
Bởi vậy, mỗi người hãy nâng cao ý thức để phòng, tránh việc bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bằng cách không hút thuốc lá, thuốc lào và các chất kích thích khác. Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá. Đeo khẩu trang khi ra đường, đặc biệt là khi tiếp xúc với khói, bụi; đeo bảo hộ lao động khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm; vệ sinh môi trường sống hợp lý, không đun bếp than, củi.
Cùng với đó là tránh để bị lạnh đột ngột, vệ sinh mũi họng thường xuyên để đề phòng nhiễm trùng đường hô hấp trên. Khi nhiễm trùng đường hô hấp trên thì cần nhận biết sớm và điều trị ngay.
Đáng nói, mọi người cần điều trị, kiểm soát tốt các bệnh đồng mắc như đái tháo đường, tăng huyết áp, hen suyễn. Đồng thời xây dựng chế độ ăn uống đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng; tập luyện thể thao thường xuyên để nâng cao thể trạng; khám sức khỏe định kỳ, sử dụng thuốc điều trị và điều trị dự phòng. Đặc biệt, cần chủ động tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đủ liều cơ bản và các mũi tăng cường…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin