Sống lành mạnh để ngừa đột quỵ

Tùng Lâm 11:16, 17/12/2022

Không chỉ gây tử vong, đột quỵ còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tàn tật ở người lớn. Bởi vậy, phòng, chống đột quy là việc làm hết sức cần thiết, nhất là trong thời điểm thời tiết Thái Nguyên đang rét đậm, rét hại như hiện nay.

Tập phục hồi cho người bị đột quỵ tại Khoa Thần kinh (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên).
Tập phục hồi cho người bị đột quỵ tại Khoa Thần kinh (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên).

Cách đây 1 tháng, bà N.T.H, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), phải nhập viện sau cơn đột quỵ. Sau khi được điều trị, bà đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa thể tự đi lại được. Các sinh hoạt cá nhân của bà đều phải có người chăm sóc.

Bà H. chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân bị đột quy đã được điều trị tại Khoa Thần kinh (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) trong hơn 11 tháng qua. Qua khảo sát của chúng tôi, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên - cơ sở y tế tuyến cuối cùng trong điều trị đột quỵ ở Thái Nguyên tiếp nhận khoảng trên 300 bệnh nhân/tháng, trong đó, phần lớn là bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não.

Bác sĩ CKII Bùi Thị Huyền, Trưởng khoa Thần kinh (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), nói: Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200 nghìn người bị đột quỵ. Bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chủ yếu là người từ 55 tuổi trở lên. Những năm gần đây, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, chiếm 10-15%. Nguyên nhân được xác định là do áp lực công việc, thường xuyên thức khuya, hút thuốc lá…

Ngoài ra, lười vận động cũng chính là nguyên nhân có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe khác, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Đặc biệt, người béo phì có nguy cơ bị đột quỵ tăng lên 6 lần so với người bình thường. Đáng nói, trong cuộc sống hiện nay, khi kinh tế ngày một đi lên, nhiều người có điều kiện ăn nhậu, uống bia, rượu thường xuyên. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ, tăng cholesterol, xơ cứng động mạch. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống không lành mạnh cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ. Theo đó, chế độ ăn giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol đều có liên quan đến đột quỵ và các bệnh tim mạch khác (tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…).

Nhiều tình trạng bệnh lý cũng có thể làm tăng khả năng bị đột quỵ. Trong đó, huyết áp tăng cao thường xuyên không được kiểm soát là nguy cơ hàng đầu làm vỡ mạch và xuất huyết não. Bệnh mạch vành làm tăng nguy cơ đột quỵ, vì mảng bám tích tụ trong động mạch và chặn dòng chảy của máu giàu oxy lên não. Các bệnh tim khác (khuyết tật van tim, nhịp tim không đều, bao gồm cả rung tâm nhĩ và các buồng tim mở rộng, có thể gây ra các cục máu đông cũng là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ não.

Ngoài ra, rối loạn mỡ máu cũng chính là thủ phạm làm tăng nguy cơ đột quỵ. Khi cholesterol cao, lượng cholesterol thừa tích tụ trong các động mạch, bao gồm cả các động mạch của não có thể dẫn đến thu hẹp động mạch, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe khác. Đường huyết tăng cao làm tổn thương mạch máu và đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch, tăng tích tụ các mảng xơ vữa trong lòng mạch, gây tắc nghẽn, từ đó có thể gây đột quỵ.

Để phòng, chống đột quỵ, việc kiểm soát bệnh, duy trì sức khỏe ổn định là rất cần thiết. Trong đó, việc kiểm soát và điều trị các bệnh mạn tính có nguy cơ đột quỵ cao như tăng huyết áp, phát hiện sớm và điều trị bệnh tim, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, hẹp van động mạch chủ có triệu chứng rất cần được quan tâm. Những bệnh nhân có các bệnh mạn tính cần khám sức khỏe định kỳ 3 đến 6 tháng/lần để tầm soát bệnh, uống đúng thuốc theo toa và chỉ ngưng khi có ý kiến của bác sĩ.

Các bác sĩ khuyến cáo, để hạn chế nguy cơ đột quỵ, mọi người cần có chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước, giảm lượng muối; thay đổi lối sống theo hướng tích cực bằng cách cai thuốc lá; hạn chế uống rượu, bia; giảm stress; tránh ăn chất béo bão hòa; duy trì tập thể dục, thể thao phù hợp. Khi có bất cứ các dấu hiệu, triệu chứng về sức khỏe, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị sớm.


Từ khóa:

phòng ngừa

đột quỵ

sức khỏe