Vào thời điểm cuối Xuân sang Hè, thời tiết tại Thái Nguyên có nắng ấm nhưng thỉnh thoảng trời trở lạnh đột ngột. Hình thái thời tiết này khiến cơ thể rất dễ mắc bệnh, nhất là khi độ ẩm không khí luôn ở mức cao (trên 80%). Người già và trẻ em là những trường hợp rất dễ mắc bệnh khi thời tiết chuyển mùa.
Bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên khám bệnh cho trẻ nhỏ. |
Những ngày tháng 4, thời tiết chuyển mùa rất đột ngột, hôm trước nắng nóng, nền nhiệt lên tới 30 độ C, chỉ qua một đêm, nhiệt độ đã giảm xuống dưới 20 độ C. Bà Đàm Thị Hằng, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), nói: Đã ngoài 70 tuổi nên cơ thể tôi không còn khỏe như trước. Mỗi khi trời chuyển mùa, tôi bị đau nhức xương khớp, đầu đau như “búa bổ”. Đáng lo nhất là tình trạng tràn dịch khớp gối khiến tôi đi lại khó khăn…
Tình trạng người lớn tuổi bị đau xương khớp khi “trái nắng, trở trời” như bà Hằng không phải là hiếm. Nhiều người do tình trạng bệnh diễn tiến nặng đã chủ động đến các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh để điều trị. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đang là địa chỉ được nhiều người cao tuổi tìm đến nhất. Theo ghi nhận của chúng tôi, từ đầu tháng 4 đến nay, số người điều trị nội trú của bệnh viện này (hầu hết là người già) luôn duy trì vài trăm người/ngày.
Bà Nông Thị Thịnh, xã Tân Thái (Đại Từ), cho hay: Chồng tôi đang phải điều trị nội trú tại Bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán ông ấy bị thoát vị đĩa đệm đốt sống lưng rất nặng nên cơ thể đau nhức, đặc biệt ở vùng thắt lưng và hai bên đùi, lan xuống bàn chân… Tình trạng bệnh của ông ấy đã được phát hiện từ 3 năm trước nhưng hễ thời tiết giao mùa hoặc khi trời rét đậm, rét hại là bị trở nặng hơn…
Tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, tình trạng bệnh nhân lớn tuổi và trẻ em nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp; tim mạch… cũng tăng khá cao. Đơn cử tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên, số trẻ em phải điều trị nội trú đang duy trì ở mức 40-50 cháu, gấp đôi so với 1 tháng trước; tại Khoa Nội, số người cao tuổi phải điều trị nội trú do mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp… cũng chiếm đến 60-70% số bệnh nhân.
Bác sĩ Đặng Thị Thu Thủy, Trưởng Khoa Khám bệnh (Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên), nhận định: Thời điểm giao mùa như hiện nay, trẻ nhỏ và người già rất dễ mắc các bệnh lây qua đường hô hấp như: Cảm cúm, viêm phồi, thủy đậu, sởi, viêm màng não mô cầu, rubella; bệnh lây qua đường tiêu hóa như: Tiêu chảy, nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn, tay chân miệng; bệnh lây truyền qua côn trùng như sốt xuất huyết… Đặc biệt, những người cao tuổi, có các bệnh lý nền như thoái hóa xương khớp, cao huyết áp… cũng rất dễ bị trở nặng nếu không theo dõi và xử trí kịp thời.
Thực tế cho thấy, việc phòng, chống bệnh thời điểm giao mùa Xuân - Hè là rất cần thiết, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19, Marburg vẫn đang diễn biến khá phức tạp ở trong nước và trên thế giới. Bởi vậy, với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, mỗi người cần nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, nơi ở, làm việc sạch sẽ, thông thoáng; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không để côn trùng đốt, giữ ấm cơ thể, hạn chế tiếp xúc với người bệnh; tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh đã có vắc- xin phòng ngừa. Đồng thời tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng việc có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt, những người có bệnh lý nền, khi có các triệu chứng tăng nặng và diễn biến bất thường cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, điều trị kịp thời…
Bác sĩ Thủy nhấn mạnh: Nâng cao ý thức trong việc phòng, chống bệnh thời điểm giao mùa không chỉ bảo vệ sức khỏe của mỗi cá nhân mà còn đem lại lợi ích cho cả cồng đồng. Từ đó giúp phòng tránh dịch chồng dịch, phòng ngừa quá tải trong kiểm soát bệnh tật, các gánh nặng chi phí do cùng một lúc phải đối phó với nhiều loại dịch bệnh gây nên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin