Mặc dù đã qua hơn 3 tháng thực hiện Nghị định của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng vẫn còn tình trạng nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp chưa triển khai các nhiệm vụ theo quy định, để lộ, mất, chuyển giao, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân. Để siết chặt quản lý dữ liệu cá nhân, Cơ quan thường trực đảm bảo an toàn, an ninh mạng tỉnh Thái Nguyên đang quyết liệt yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ.
Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 gồm 4 chương, 44 điều, quy định đầy đủ các vấn đề liên quan tới bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Nghị định quy định rất rõ về quyền, nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu, quy định về quy trình, cách thức sử dụng các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân; xác định cơ quan chuyên trách, lực lượng bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Đây là quy định thiết thực, quan trọng để hạn chế tình trạng chuyển giao, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân đang lan tràn thời gian qua. Tuy nhiên, kết quả triển khai trong cả nước cũng như tỉnh Thái Nguyên còn bộc lộ hạn chế cần phải khắc phục kịp thời.
Theo chỉ đạo của Tiểu ban An toàn, an ninh mạng tỉnh Thái Nguyên, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân thông qua nhiều hình thức khác nhau. Trong đó chú trọng quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về quyền, nghĩa vụ và tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Các đơn vị có hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân tiến hành rà soát tổng thể, phân loại rõ những dữ liệu đã thu thập, đang xử lý để từ đó xác định trách nhiệm bảo vệ tương ứng với từng loại dữ liệu cá nhân theo quy định.
Cùng với đó là tăng cường rà soát, đánh giá quy trình thu thập, xử lý, đề xuất ban hành các biện pháp quản lý tại cơ quan, đơn vị mình sao cho phù hợp, hiệu quả. Cần theo dõi chặt chẽ và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi chuyển giao, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân.
Cơ quan chức năng cũng lưu ý, trong trường hợp xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chỉ định rõ bằng văn bản bộ phận có chức năng bảo vệ dữ liệu cá nhân, chỉ định nhân sự phụ trách bảo vệ dữ liệu cá nhân. Những trường hợp này cần được trao đổi bằng văn bản về cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân của tỉnh (Công an tỉnh).
Đặc biệt là phải báo cáo Tiểu ban An toàn, an ninh mạng của tỉnh ngay khi phát hiện những dấu hiệu vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, chậm nhất 72 giờ sau khi xảy ra vi phạm. Phải lập hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân, hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài và gửi cơ quan chuyên trách theo 3 hình thức là trực tuyến qua Cổng thông tin quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân, qua Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an, hoặc theo đường bưu điện sau 60 ngày kể từ ngày xử lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu cá nhân ra nước ngoài…
Công an tỉnh với chức năng, nhiệm vụ của mình là lực lượng nòng cốt tăng cường triển khai đấu tranh với hoạt động chuyển giao, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin