Quản lý vũ khí, vật liệu nổ

Nguyễn San 09:25, 17/09/2023

Từ khi có hiệu lực thi hành đến nay, Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã có 5 năm đi vào thực tế. Kết quả đạt được rất khả quan khi có tới hàng trăm nghìn loại vũ khí được người dân tự nguyện giao nộp và hàng chục nghìn vụ liên quan đến sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Luật vẫn còn những bất cập cần phải xem xét điều chỉnh.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công an, trong 5 năm qua, toàn quốc đã vận động nhân dân giao nộp gần 100 nghìn khẩu súng các loại, gần 18 nghìn bom, mìn, lựu đạn, trên 3,7 triệu kg thuốc nổ cùng hàng chục nghìn công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ.

Lực lượng chức năng đã đấu tranh phát hiện, bắt giữ gần 19.400 vụ, trên 31.000 đối tượng vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Riêng tội phạm chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ súng tự chế, vũ khí thô sơ, linh kiện lắp ráp vũ khí chiếm tới 76%; mua bán vận chuyển trái phép linh kiện để lắp ráp vũ khí chiếm 3,8%.

Điều đó cho thấy, loại tội phạm này đang diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Trong đó, nổi lên các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm đường phố rất manh động, gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Điều này đòi hỏi Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phải bao trùm, chặt chẽ và sát thực hơn nữa. Chính vì thế, Bộ Công an đang tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi liên quan đến nội dung này. Trong đó phân tích, hiện nay các đối tượng đang lợi dụng kẽ hở của Luật là tách bạch rõ vũ khí quân dụng với các loại vũ khí khác để chế tạo, mua bán, tàng trữ các loại súng tự chế, vũ khí thô sơ và linh kiện để lắp ráp vũ khí.

Vì thế, cần phải sửa đổi, bổ sung các khái niệm về vũ khí, quy định rõ hơn về các hành vi bị nghiêm cấm. Cần bỏ khái niệm vũ khí thô sơ, súng săn, đồng thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khái niệm vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ. Việc sửa đổi sẽ giúp xử lý hình sự ngay những hành vi vi phạm về các loại vũ khí này.

Cơ quan chuyên môn cũng cho rằng, cần phải thay đổi, bổ sung các điều quy định về cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng thống nhất cấp một loại giấy phép, không quy định thời hạn giấy phép sử dụng. Chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp phép sử dụng vũ khí. Cho phép tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để tận dụng nguồn vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí…

Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, họ đều có quy định về khái niệm và công tác quản lý, sử dụng các loại dao, công cụ, phương tiện có khả năng gây sát thương như vũ khí, nhưng mỗi nước có quy định khác nhau trong quản lý, sử dụng. Một số nước như Bỉ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đan Mạch… còn quy định cụ thể kích thước, loại dao nguy hiểm phải quản lý.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là hết sức cần thiết hiện nay, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm.