Cung cấp thông tin vi phạm giao thông cho Công an

Nguyễn San 09:30, 01/10/2023

Thời gian qua, số trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) được người dân phát giác, thông tin đến lực lượng chức năng để xử lý đã tăng lên rõ rệt. Đây là tín hiệu mừng khi có sự vào cuộc tích cực của cộng đồng xã hội trong bối cảnh tình trạng vi phạm TTATGT có chiều hướng gia tăng. Hiệu quả chắc chắn sẽ cao hơn khi đây không còn là hoạt động tự phát mà trở thành phong trào được phát động rộng rãi trong toàn dân.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại tỉnh Thái Nguyên, chính quyền đã kịp thời phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về TTATGT” cho lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý theo quy định.

Phong trào này đã được nhân dân đồng tình ủng hộ vì thực tế rất nhiều tình huống vi phạm TTATGT mà người dân chứng kiến, ghi lại khi tham gia trên đường, nhưng chưa bị xử lý.

Phong trào đặt ra mục tiêu: Mỗi người dân Thái Nguyên là một “tuyên truyền viên”, một “cộng tác viên” đắc lực với lực lượng chức năng trong bảo đảm TTATGT. Do đó, lực lượng chức năng đang đẩy mạnh hướng dẫn người dân phương pháp nhận biết các hành vi vi phạm TTATGT sao cho chính xác, khách quan, có cơ sở.

Các hành vi được chỉ ra gồm: Xe ô tô khách chở quá số người quy định; đón trả khách không đúng nơi quy định; xe ô tô chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; xe đi vào đường cấm, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, dừng đỗ không đúng nơi quy định; điều khiển xe lạng lách, đánh võng…

Khi phát hiện những hành vi này, người dân chủ động, tích cực cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh đến cơ quan chức năng bằng nhiều hình thức khác nhau để kịp thời xử lý. Người dân ghi đủ thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm thông qua camera, máy ảnh, điện thoại thông minh, camera hành trình... kèm theo ngày, giờ phát hiện vi phạm, tuyến đường vi phạm, biển kiểm soát, đặc điểm của phương tiện và chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện (nếu có) cùng các thông tin khác liên quan.

Sau khi ghi nhận đầy đủ các thông tin về hành vi vi phạm, người dân liên hệ, phản ánh trực tiếp tới Công an tỉnh Thái Nguyên để tiếp nhận, xử lý thông tin. Đồng thời cung cấp thông tin về tên tuổi, số căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của người cung cấp (Công an tỉnh có trách nhiệm bảo đảm bí mật danh tính của người cung cấp tin) để phục vụ công tác thông tin, phản hồi.

Lực lượng Công an sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân sẽ tiến hành xử lý thông tin và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông tuyên truyền kết quả xử lý rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để tạo hiệu ứng răn đe, phòng ngừa chung và phản hồi kết quả xử lý. Lực lượng chức năng cũng sẽ xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi lợi dụng chủ trương tiếp nhận thông tin từ quần chúng của Nhà nước để cung cấp thông tin sai sự thật, chống phá, tiêu cực.

Lực lượng chức năng có các biện pháp nghiệp vụ theo quy định để giữ bí mật thông tin cho người phản ánh, cung cấp và kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người phản ánh, cung cấp thông tin, tài liệu về vi phạm TTATGT.