Cố tình kinh doanh thực phẩm “bẩn”: Chế tài xử lý còn nhẹ?

Nhóm P.V 17:40, 05/10/2023

Việc bà Nguyễn Thị Quy, người bán thịt lợn “bẩn” với số lượng (bị phát hiện) lên tới gần 3 tấn tại chợ Đồng Quang, TP. Thái Nguyên, bị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 108.250.000 đồng, theo nhiều người là “quá nhẹ”. Không ít người cho rằng, những vi phạm như vậy phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì đây là hành vi cố tình, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng người tiêu dùng.

Một số bạn đọc bày tỏ quan điểm trên Fanpage Báo Thái Nguyên sau khi biết mức phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Quy.
Một số bạn đọc bày tỏ quan điểm trên Fanpage Báo Thái Nguyên sau khi biết mức phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Quy.

Trên Fanpage Báo Thái Nguyên, tài khoản “Nhung Vu” bình luận: Tại sao lại phạt có mỗi tiền thế? Phải cho đi tù thì những kẻ khác mới thấy thế mà sợ, không làm ăn thất đức, giết người bằng thực phẩm độc hại nữa.

Tài khoản “Thuyduong Nguyen” thì cho rằng: Đầu độc bao nhiêu con người, nguyên nhân gây ung thư cho bao nhiêu người. Phải xử nặng…!

Tài khoản “Mai Hương Nguyễn” bức xúc: Tôi không tin người Thái Nguyên chưa từng ăn thịt của bà này bán. Nào là ruốc, nào là xúc xích, nước dùng của các quán phở, cháo, miến, nào là nhân bánh bao, bánh mì, bánh cuốn… Chỉ phạt hành chính hơn 108 triệu đồng, buôn chuyến nữa là huề vốn!...

Một số tài khoản khác viết: Bất bình, đó là một tội ác; vô lương tâm, phạt nặng vào; thế thôi á; phạt nhẹ quá; Quá nhẹ, bao nhiêu người ung thư rồi. Tài khoản “Nguyễn Hà” còn “dí dỏm”: Ngồi tù thì tội quá. Nhốt lại cho ăn thịt NỢN mỗi ngày, khi nào hết 3 tấn thì tha…

Để hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật liên quan đến việc xử lý vi phạm đối với trường hợp này, chúng tôi có buổi làm việc với lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh. Theo ông Nguyễn Hoàng Bắc, Phó Cục trưởng: Bà Quy khai, số thịt để tại các tủ đông là sản phẩm mà hàng ngày không bán hết. Dù số thịt này đã ôi thiu, bốc mùi song cơ quan chức năng không đủ căn cứ để xác định là sản phẩm từ lợn chết do dịch bệnh… Vì thế, QLTT không có căn cứ để chuyển vụ việc sang cơ quan Công an, mà chỉ có thể đề xuất xử phạt vi phạm hành chính.

Theo đó, bà Quy bị xử phạt với 3 hành vi vi phạm, gồm: Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định - mức phạt 7,5 triệu đồng; Kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, mùi vị (Khoản 1 Điều 3 và Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP) - mức phạt 100 triệu đồng; Không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật - mức phạt 750 nghìn đồng. Đây cũng là mức xử phạt hành chính tối đa đối với cá nhân vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (ATTP).

Vậy trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Theo Điều 317 Bộ luật Hình sự, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm khi sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm, mà sản phẩm trị giá từ 10 đến dưới 100 triệu đồng; sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10 đến dưới 100 triệu đồng…

Người vi phạm có thể bị phạt tù 12-20 năm khi làm chết 3 người trở lên; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên; gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 201% trở lên…

Phải mất nhiều giờ, cơ quan chức năng mới đưa được số thực phẩm bẩn ra khỏi tủ bảo ôn mà bà Nguyễn Thị Quy đã để trong nhiều ngày.
Phải mất nhiều giờ, cơ quan chức năng mới đưa được số thực phẩm "bẩn" ra khỏi tủ bảo ôn mà bà Nguyễn Thị Quy đã để trong nhiều ngày.

Việc nhiều người cho rằng mức phạt đối với bà Quy chưa thỏa đáng, ông Nguyễn Hoàng Bắc cho rằng đó cũng là điều dễ hiểu, vì vi phạm này có liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng.

Có thể nói, một số quy định hiện không còn phù hợp như trong trường hợp cụ thể này. Điều 12 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1-2 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, mùi vị. Tuy nhiên, theo Điều 3 thì mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính về ATTP là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức…

Vì thế, mặc dù số lượng thực phẩm vi phạm của bà Quy lớn, được xác định có giá trị trên 128 triệu đồng nhưng mức phạt tiền cao nhất cũng chỉ 100 triệu đồng. Do đó, không nên khống chế mức xử phạt tối đa nhằm tăng tính nghiêm minh của pháp luật – theo ông Nguyễn Hoàng Bắc.

Ngoài ra, theo ý kiến của nhiều người, những trường hợp vi phạm có dấu hiệu nghiêm trọng như trên, cần có quy định cụ thể để cơ quan chức năng được phép đấu tranh, khai thác, buộc người vi phạm phải khai báo nguồn cung, địa chỉ tiêu thụ, từ đó có thông tin, căn cứ tiếp tục xử lý những trường hợp khác liên quan.

Đồng thời cũng để người dân nắm được, lên án, tẩy chay các cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó nên có thêm quy định tước giấy phép hoặc không cấp phép (có thời hạn hoặc vĩnh viễn) đối với những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm về ATTP.

Được biết, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến vi phạm quy định về ATTP. Trong khi đó, hành vi kinh doanh thực phẩm “bẩn” như trường hợp bà Quy cần bị xử phạt thích đáng.

Các cơ quan chức năng, qua sự việc này, cần tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong công tác quản lý, xử lý các vi phạm để lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng. Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng có trách nhiệm, chỉ mua những thực phẩm đảm bảo, tại địa chỉ có uy tín và khi phát hiện dấu hiệu vi phạm cần báo cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.