Vay ngân hàng 10 chỉ nhận được 1: Hé lộ những “lỗ hổng”, (bài 1) “Thượng đế” kêu cứu

Nhóm P.V 11:59, 18/07/2024

Vay tiền tại Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đông Nam Á (SeABank) - Chi nhánh Thái Nguyên (trụ sở hiện nay tại số nhà 179, đường Hoàng Văn Thụ, phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên) thông qua người “môi giới”, lúc trả gốc và lãi cho Ngân hàng, nhiều người dân ở TP. Phổ Yên mới “ngã ngửa” khi phát hiện số tiền nhận được thấp hơn nhiều, thậm chí có người chỉ nhận được 1/10 số tiền vay ghi trong hợp đồng. Không chỉ vậy, quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản tại tòa án nhân dân các cấp, nhiều “lỗ hổng” mới được hé lộ.

Người dân tập trung kêu cứu khi phải trả khoản tiền bản thân không được nhận.
Người dân tập trung "kêu cứu" khi phải trả khoản tiền bản thân không được nhận.

Thực nhận 150 triệu đồng nhưng hợp đồng tín dụng lại ghi vay tới 1,5 tỷ đồng; hay nhận 250 triệu đồng nhưng số tiền nợ ghi trong hợp đồng là 1,6 tỷ đồng… Đó là những phản ánh của một số người liên quan đến các hợp đồng tín dụng tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - Chi nhánh Thái Nguyên. Việc phải trả số tiền cao gấp nhiều lần, trong đó có người cao gấp 10 lần so với số tiền thực nhận, khiến những người một thời là “thượng đế” của ngân hàng nay đang kêu cứu.

Nguy cơ mất đất, mất nhà

Tháng 6-2024, Báo Thái Nguyên nhận được đơn tố giác "kêu cứu khẩn cấp" của 15 người dân ở TP. Phổ Yên tố cáo một số cá nhân có dấu hiệu cấu kết với cán bộ SeABank - Chi nhánh Thái Nguyên để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền của những người bị hại lên tới hàng chục tỷ đồng. Vào cuộc tìm hiểu, phóng viên Báo Thái Nguyên nhận thấy vụ việc có nhiều ẩn khuất...

Một trong những người đứng đơn tố giác là bà Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1980, ở tổ dân phố Dộc, phường Đông Cao (TP. Phổ Yên). Theo trình bày của bà Nga, năm 2018, bà có quen một người tên Nguyễn Văn Chung, ở phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên). Người này tự giới thiệu là giám đốc ngân hàng nên bà đã tin tưởng nhờ vay vốn. Quá trình làm thủ tục vay vốn, bà Nga đều nhờ ông Chung làm thủ tục. Do tin tưởng vào ông Chung, cán bộ Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - Chi nhánh Thái Nguyên, nên bà đã ký các giấy tờ vay vốn mà... không đọc.

Thời điểm vay vốn là ngày 27/3/2018, bà Nga nhận được 118 triệu đồng do một người để lại trên xe taxi bà thuê đưa về nhà. Đến khi SeABank - Chi nhánh Thái Nguyên yêu cầu trả tiền gốc và lãi, bà Nga mới biết số tiền vay ghi trong hợp đồng là 400 triệu đồng được chuyển khoản cho ông Nguyễn Chí Thọ, phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên).

Bà Nguyễn Thị Nga cho biết: Tôi hoàn toàn không quen biết ông Nguyễn Chí Thọ. Đến tận thời điểm này, năm 2024, tôi vẫn chưa từng một lần gặp ông ấy. Nghi ngờ mình bị lừa, ngay từ thời điểm bắt đầu vay, tôi đã kiến nghị Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - Chi nhánh Thái Nguyên nhưng được trả lời là không trả tiền sẽ bị thu nhà. Tôi cũng tìm đến nhà đòi tiền ông Nguyễn Văn Chung nhưng bị dọa đánh nên sau đó tôi phải trả tiền Ngân hàng. Một thời gian sau, tôi thấy mình phải trả số tiền mình không được nhận là quá vô lý, nên không tiếp tục trả nợ và gửi kiến nghị tới Ngân hàng.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà Nguyễn Thị Cần (ở tổ dân phố Hanh, phường Hồng Tiến, TP. Phổ Yên) đứng trước nguy cơ mất đất, mất nhà do không đủ khả năng trả nợ ngân hàng khoản tiền bà không được nhận.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà Nguyễn Thị Cần (ở tổ dân phố Hanh, phường Hồng Tiến, TP. Phổ Yên) đứng trước nguy cơ mất đất, mất nhà do không đủ khả năng trả nợ ngân hàng khoản tiền bà không được nhận.

Bà Nguyễn Thị Cần (sinh năm 1951, ở tổ dân phố Hanh, phường Hồng Tiến, TP. Phổ Yên) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự bà Nga. Năm 2019, gia đình bà Cần có nhờ ông Nguyễn Văn Tuấn, cùng ở tổ dân phố Hanh, giới thiệu gặp ông Nguyễn Văn Trình (sinh năm 1971, ở tổ dân phố Hắng, phường Hồng Tiến) để làm hồ sơ vay vốn ngân hàng 250 triệu đồng. Bà thực nhận được 250 triệu đồng vay của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - Chi nhánh Thái Nguyên, nhưng 6 tháng sau, Ngân hàng đưa giấy đáo hạn, bà Cần mới sốc, “ngã ngửa” vì biết số tiền vay trong hợp đồng tín dụng của mình là 1,6 tỷ đồng được chuyển thẳng vào tài khoản ông Nguyễn Văn Trình.

Bà Cần cho biết: Tôi rất tin tưởng ông Tuấn, ông Trình là người cùng phường và tin tưởng cán bộ ngân hàng nên không đọc hồ sơ. Vả lại, trình độ hiểu biết của tôi kém, cán bộ ngân hàng giục ký nhanh để còn làm việc khác nên tôi chỉ biết ký. Đến khi xảy ra sự việc này, tôi mới hối hận nhưng đã muộn.

Không chỉ bà Cần, bà Tạ Thị Thu, ở tổ dân phố Hanh, phường Hồng Tiến; ông Trần Ngọc Chi, ở tổ dân phố Hạ, phường Nam Tiến (TP. Phổ Yên), cùng nhiều người khác cũng vay vốn của SeABank - Chi nhánh Thái Nguyên thông qua “môi giới” là ông Nguyễn Văn Trình, và đều không nhận đủ so với số tiền ghi trong hợp đồng tín dụng.

 

Trong đó, bà Thu thực nhận 150 triệu đồng nhưng số tiền ghi trong hợp đồng tín dụng là 1,5 tỷ đồng, ông Chi thực nhận 300 triệu đồng nhưng số tiền ghi trong hợp đồng tín dụng là 500 triệu đồng… Tổng số tiền người dân không được nhận là hàng chục tỷ đồng.

Nhận thấy mình không được nhận đủ tiền như trong hợp đồng tín dụng, các bà Nga, Cần, Thu đều không trả tiền ngân hàng và đã bị Ngân hàng TMCP Đông Nam Á khởi kiện ra tòa. Tòa án nhân dân TP. Phổ Yên xét xử, buộc các bà Nga, Cần, Thu trả tiền nếu không sẽ thu đất và nhà. Nhiều người khác cùng rơi vào tình cảnh tương tự đã phải bán đất, bán nhà để trả nợ ngân hàng.

Nhiều dấu hiệu bất thường

Những vụ việc tranh chấp hợp đồng tín dụng nói trên đều được thụ lý tại tòa án nhân dân cấp huyện. Qua tham gia phiên xét xử và nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi nhận thấy hoạt động cho vay của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - Chi nhánh Thái Nguyên trong vụ việc này xuất hiện một số “lỗ hổng”.

Như tại vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa bà Nguyễn Thị Nga và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - Chi nhánh Thái Nguyên, trong phiên xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên chỉ ra hợp đồng giữa SeABank - Chi nhánh Thái Nguyên với bà Nguyễn Thị Nga không có chữ ký bà Nga ở từng trang; hợp đồng vay vốn ghi là "sửa chữa nhà" nhưng thực tế không có hoạt động sửa chữa nhà; lời khai của người nhận tiền khoản vay của bà Nga là ông Nguyễn Chí Thọ (thông qua chuyển khoản) ghi rõ là không sửa chữa nhà, mà đã tự trừ 250 triệu đồng do ông Chung và bà Nga vay (trong khi bà Nga khẳng định hoàn toàn không quen biết, chưa một lần gặp ông Thọ).

Vay ngân hàng để làm nhà nhưng do không nhận được đủ tiền, từ năm 2019 đến nay, gia đình ông Trần Ngọc Chi (ở tổ dân phố Hạ, phường Nam Tiến, TP. Phổ Yên) vẫn chưa xây dựng hoàn thiện ngôi nhà.
Vay ngân hàng để làm nhà nhưng do không nhận được đủ tiền, từ năm 2019 đến nay, gia đình ông Trần Ngọc Chi (ở tổ dân phố Hạ, phường Nam Tiến, TP. Phổ Yên) vẫn chưa xây dựng hoàn thiện ngôi nhà.

Trong các phiên xét xử sơ thẩm, bà Nga đã kiến nghị Tòa mời ông Thọ, ông Chung và cán bộ ngân hàng đến để đối chất nhưng đều xét xử vắng mặt những người này, bởi vậy, nhiều nghi vấn chưa được làm rõ… Bà Nga cho rằng vụ việc có dấu hiệu hình sự, ông Nguyễn Văn Chung và đồng phạm đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền của bà.

Đối với vụ kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa các ông, bà: Nguyễn Thị Cần, Tạ Thị Thu, Trần Ngọc Chi và nhiều cá nhân khác với Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - Chi nhánh Thái Nguyên liên quan đến ông Nguyễn Văn Trình, những người đứng đơn cho rằng vụ việc có dấu hiệu hình sự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi số lượng người cùng bị ông Trình chiếm đoạt tiền rất lớn. Đồng thời, các vụ việc đều có cùng phương thức: Cam kết cho vay nhanh chóng, hạn mức cao; người bị hại không làm hồ sơ vay vốn mà người khác làm; khi đến ngân hàng, người bị hại đều không có nhiều thời gian nghiên cứu hợp đồng tín dụng mà phải "ký nhanh, ký ngay"…

Về vụ việc này, những người vay vốn nhưng không nhận đủ tiền đã kiến nghị, kêu cứu tới nhiều cơ quan chức năng, đơn vị tư vấn pháp luật. Vậy, những cơ quan có trách nhiệm, cơ quan tố tụng và các luật sư nói gì? Chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết tiếp theo.

(Còn nữa)