Công bố một số luật, pháp lệnh mới

09:20, 07/07/2013

Sáng 5/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố một số luật, pháp lệnh được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua. Đồng chí Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì buổi họp báo. 

Phòng, chống khủng bố là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức và công dân

 

Tại buổi họp báo, nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật phòng, chống khủng bố, Trung tướng Trần Việt Tân, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Diễn biến phức tạp của tình hình an ninh thế giới, khu vực và trong nước cho thấy phòng, chống khủng bố ở Việt Nam trong thời gian tới tiếp tục là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Để nâng cao hơn nữa năng lực đấu tranh phòng, chống khủng bố, Nhà nước ta cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, trong đó hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động phòng, chống khủng bố là một giải pháp trọng tâm, cơ bản.

 

Về trách nhiệm phòng, chống khủng bố, Điều 7 Luật quy định phòng, chống khủng bố là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức và công dân, trong đó người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình. Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố được thành lập ở 3 cấp là cấp quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh.

 

Để bảo đảm cho việc tổ chức, phòng, chống khủng bố đạt hiệu quả, Luật cũng đã quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố, người chỉ huy; về trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ, phương tiện chống khủng bố; về huy động lực lượng, phương tiện; trưng mua, trưng dụng tài sản chống khủng bố…

 

Luật gồm 8 Chương, 51 Điều quy định về nguyên tắc, chính sách, biện pháp, lực lượng phòng, chống khủng bố; hợp tác quốc tế và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống khủng bố. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2013.

 

Tạo bước phát triển trong giáo dục quốc phòng và an ninh

 

Luật giáo dục quốc phòng và an ninh gồm 8 Chương, 47 Điều quy định nguyên tắc, chính sách, nội dung cơ bản, hình thức giáo dục quốc phòng và an ninh; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, quyền và trách nhiệm của công dân về giáo dục quốc phòng và an ninh, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014.

 

Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Phó Tổng tham mưu trưởng, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định: Việc ban hành Luật giáo dục quốc phòng và an ninh là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, đồng thời tạo ra những bước phát triển trong giáo dục quốc phòng và an ninh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

 

Đổi mới phương thức đầu tư cho khoa học và công nghệ  

 

Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết: Luật khoa học và công nghệ (KH&CN) 2013 có nhiều nội dung mới, quy định rõ hơn, hợp lý hơn, phù hợp hơn với yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 6 về nhiệm vụ, nguyên tắc của hoạt động KH& CN, chính sách của Nhà nuớc. Theo đó, lần đầu tiên Luật đề cập đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương với hoạt động KH&CN; làm rõ hơn vị trí, vai trò cả tổ chức KH&CN; các cơ chế, chính sách và biện pháp đào tạo thu hút và sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực KH&CN; các biện pháp sử dụng và quản lý hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đáng lưu ý, đổi mới phương thức đầu tư cho KH&CN theo hướng khuyến khích mạnh mẽ và huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động KH&CN; phát triển thị trường KH&CN...

 

Luật KH&CN gồm 11 Chương, 81 Điều quy định về tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN; việc tổ chức thực hiện hoạt động KH&CN; biện pháp bảo đảm phát triển KH&CN; quản lý nhà nước về KH&CN. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014.

 

Tạo khuôn khổ pháp lý hoàn thiện điều chỉnh hoạt động ngoại hối

 

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối đã bổ sung quy định về việc người cư trú, người không cư trú không được gửi ngoại hối trong bưu gửi; quy định rõ trách nhiệm của người cư trú và người không cư trú khi xuất cảnh, nhập cảnh có mang theo ngoại tệ, đồng Việt Nam và vàng; giao Ngân hàng Nhà nước quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt của tổ chức tín dụng (TCTD) được phép.

 

Về sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, khắc phục bất cập trong quá trình thực hiện Pháp lệnh 2005, Pháp lệnh 2013 đã quy định cụ thể trên lãnh thổ Việt Nam, các hoạt động “báo giá”, “định giá”, “ghi giá” trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

 

Về thị trường ngoại tệ, cơ chế tỷ giá hối đoái và quản lý vàng là ngoại hối, Pháp lệnh này bỏ thành viên tham gia thị trường ngoại tệ là “bàn đổi ngoại tệ” vì đây chỉ là đơn vị được TCTD ủy nhiệm thực hiện giao dịch với khách hàng. Đồng thời, để phù hợp với Luật Ngân hàng Nhà nước, Pháp lệnh quy định Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá hối đoái, quyết định chế độ tỷ giá, cơ chế điều hành tỷ giá…

 

Pháp lệnh này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/3/2013. Pháp lệnh đã sửa đổi, bổ sung 22 Điều, bổ sung 3 Điều mới, bãi bỏ 1 Điều và sửa đổi 2 tên Chương, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014.

 

Phòng, chống thiên tai phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch

 

Luật phòng, chống thiên tai gồm 6 Chương, 47 Điều quy định về hoạt động phòng, chống thiên tai, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động phòng, chống thiên tai, quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm việc thực hiện phòng, chống thiên tai, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2014.

 

Tại buổi họp báo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Nguyễn Xuân Diệu thông tin: Luật quy định 7 nguyên tắc cơ bản trong phòng chống thiên tai trong đó quy định phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ và phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch và bình đẳng giới.

 

Về chính sách, Luật còn quy định chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm rủi ro thiên tai; quy định các hoạt động bị cấm trong phòng, chống thiên tai.