Thành lập chi bộ quân sự (CBQS) xã, phường, thị trấn là nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) và dự bị động viên. Bởi lý do đó, năm 2011, mỗi đơn vị cấp huyện đã thực hiện thí điểm thành lập CBQS cấp xã. Sau một thời gian hoạt động, mô hình này cho thấy những ưu điểm và bộc lộ cả những hạn chế, bất cập.
Hiệu quả bước đầu
Căn cứ Hướng dẫn số 35-HD/BTCTW ngày 15-10-2009 của Ban Tổ chức Trung ương cũng như các văn bản, hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các huyện, thành, thị của tỉnh đã triển khai thành lập thí điểm 9 chi bộ quân sự trực thuộc Đảng ủy xã, phường, thị trấn. Các đơn vị được chọn thí điểm là: xã Bình Long (Võ Nhai), xã Hợp Thành (Phú Lương), xã Hùng Sơn (Đại Từ), thị trấn Hương Sơn (Phú Bình), thị trấn Ba Hàng (Phổ Yên), thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ), thị trấn Hương Sơn (Phú Bình), phường Cải Đan (Sông Công) và phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên). Trong 9 CBQS này có tổng số 55 đảng viên, 7 bí thư chi bộ là Bí thư Đảng ủy cấp xã và 2 bí thư chi bộ là chỉ huy trưởng. Chi bộ nhiều đảng viên nhất là 7 người, ít nhất là 3 người. Cơ cấu của CBQS cấp xã, gồm: Bí thư đảng ủy xã (phường, thị trấn); các đảng viên trong Ban CHQS xã và đơn vị dân quân cơ động. Nếu như trước đây, các đảng viên này sinh hoạt tại chi bộ cơ quan thì nay chuyển về sinh hoạt tại CBQS nhằm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quân sự quốc phòng ở địa phương được sâu sát, chất lượng hơn.
Đến Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) phường Quan Triều, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là hình ảnh các dân quân đang chăm chú lau chùi, bảo dưỡng vũ khí, kiểm tra và chế tác các mô hình học cụ. Anh Nguyễn Văn Thắng, Phó CHQS cho biết: Gần 2 năm qua, hoạt động của Ban CHQS nền nếp hơn. Các chiến sĩ đều hăng hái, có ý thức nên kết quả huấn luyện luôn đạt khá, giỏi trên 70%. Tham gia các đợt hội thi, hội thao, lực lượng dân quân của phường đều được cấp trên đánh giá cao. Có được điều đó là nhờ Ban CHQS nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thời gian qua.
Đồng chí Nguyễn Đắc Tuyến, Bí thư Đảng ủy, Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Ban CHQS sự phường Quan Triều cho biết: CBQS được thành lập ngày 27-7-2011, với 6 đảng viên, do điều chuyển nhân lực và một số đồng chí chuyển công tác nên hiện Chi bộ có 4 đảng viên. Mặc dù ít đảng viên, số lượng lại biến động, nhưng từ khi thành lập, Chi bộ đã phát huy vai trò lãnh đạo của mình đối với nhiệm vụ quốc phòng - quân sự (QP-QS) địa phương. Chi bộ đã quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là nhiệm vụ QP-QS, triển khai các chuyên đề về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đến từng cán bộ, chiến sĩ…
Những kết quả trên cũng được thể hiện ở các đơn vị khác như thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ), xã Bình Long (Võ Nhai)… Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy, thuận lợi nhất của mô hình này là việc đồng chí bí thư Đảng ủy đồng thời là chính trị viên, bí thư chi bộ nên đã trực tiếp nắm bắt tình hình, tham mưu cho Ban Thường vụ Đảng ủy về công tác QP-QS địa phương. Hoạt động của Ban CHQS cấp xã được quan tâm, chỉ đạo kịp thời và có hiệu quả hơn.
Từ việc chi bộ phân công, gắn nhiệm vụ Đảng với nhiệm vụ quân sự, các đảng viên phụ trách các xóm, tổ dân phố đã thực hiện tuyên truyền, quản lý lực lượng dân quân, dự bị động viên chặt chẽ hơn. Việc vận động thanh niên trong độ tuổi khám tuyển nghĩa vụ quân sự được tổ chức đúng luật và luôn chủ động. Trước những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, các CBQS luôn đề cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tinh thần cảnh giác cho các cán bộ, chiến sĩ dân quân. Các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu cũng như duy trì quy chế phối hợp giữa quân sự, công an, ban bảo vệ dân phố giữ gìn an ninh trật tự trong các ngày lễ, Tết cũng như trong khắc phục hậu quả thiên tai, cứu nạn, cứu hộ được nêu trong nghị quyết của chi bộ và chỉ đạo thực hiện một cách nghiêm túc…
Đánh giá về mô hình CBQS được thí điểm trên địa bàn tỉnh, Thượng tá Lê Hồng Giang, Trưởng Ban Tổ chức Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: CBQS cấp xã đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP-QS địa phương. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng bản lĩnh cho lực lượng DQTV được đẩy mạnh. Đây chính là cụ thể hóa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới.
Vẫn còn những bất cập
Bên cạnh những thuận lợi, thành công của việc thành lập thí điểm CBQS thì mô hình này cũng đang thể hiện một số hạn chế, bất cập cần tháo gỡ. Thượng tá Lê Hồng Giang thừa nhận: Đây là mô hình mới nên khó khăn trong việc xây dựng quy chế làm việc, lúng túng trong quá trình tổ chức hoạt động. Có chi bộ chưa thể hiện rõ vai trò, chức năng của mình bởi công tác huấn luyện cho lực lượng DQTV, tuyển quân chỉ diễn ra trong một thời điểm nhất định, nên nội dung sinh hoạt chi bộ những tháng còn lại thường giống nhau, có phần đơn điệu. Chưa kể, mỗi năm, Ban CHQS cấp xã chỉ tổ chức huấn luyện 1 đợt (trong 15 ngày) và 1 đợt làm công tác tuyển quân. Điều này cũng là một trong những hạn chế đối với việc nhận xét, phê bình, tự phê bình cũng như sự kiểm tra, giám sát đảng viên của chi bộ.
Đồng chí Phạm Ngọc Bình, Bí thư Đảng ủy, Bí thư CBQS xã Bình Long (Võ Nhai) cho biết: Do địa bàn xã rộng, đi lại khó khăn, số lượng đảng viên ít lại phân tán trên nhiều xóm, bản nên việc phụ trách xóm, thôn của các đảng viên gặp nhiều trở ngại. Các văn bản hướng dẫn của cấp trên còn thiếu trong khi kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo chưa có nên chi bộ chưa phát huy được vai trò của mình trong việc chỉ đạo, lãnh đạo Ban CHQS một cách toàn diện.
Đồng chí Vũ Hồng Quân, Phó Bí thư Chi bộ, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị trấn Chùa Hang cho biết: Thị trấn Chùa Hang hiện có 8 thôn đội trưởng là đảng viên thì có đến 5 đồng chí làm công tác kiêm nhiệm (phó bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố) nên vẫn thuộc biên chế của chi bộ tổ dân phố. Không tham gia sinh hoạt tại CBQS nên những đồng chí ấy không trực tiếp lĩnh hội được các nội dung, quan điểm chỉ đạo cũng như sự phân công nhiệm vụ của chi bộ.
Không chỉ có những bất cập trong sinh hoạt Đảng mà công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên là một nhiệm vụ nan giải của CBQS cấp xã. Chi bộ không thể tổ chức kết nạp đảng viên bởi không có “nguồn”. Nguyên nhân là do “nguồn” nằm ở các tổ dân phố, thôn, bản và thuộc chi bộ dân cư đó quản lý. Nếu muốn có thêm đảng viên mới, CBQS phải phối hợp chặt chẽ với chi bộ đó trong việc tạo nguồn, giới thiệu để kết nạp quần chúng ưu tú trong lực lượng dân quân vào Đảng. Thực tế cho thấy, gần 2 năm qua, con số này còn rất ít, chưa kể, lực lượng dân quân chủ yếu nằm trong độ tuổi lao động, nghề nghiệp không ổn định, quân số thường biến động do nhu cầu việc làm, phát triển kinh tế nên việc theo dõi, giúp đỡ gặp khó khăn.
Như vậy, bước đầu các CBQS đã phát huy được vai trò trong công tác tham mưu với Đảng ủy, chính quyền địa phương cũng như hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo Ban CHQS xã, phường, thị trấn. Đối với một số bất cập, hạn chế như đã nêu, các cấp, ngành cấp trên cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động của CBQS, có quy chế phối hợp giữa CBQS với các chi bộ cũng như ban, ngành, đoàn thể trong công tác phát triển Đảng. Ngoài ra, hoạt động của CBQS nên có sự hướng dẫn, chỉ đạo của Đảng ủy ngành dọc cấp trên để sát với tình hình, nhiệm vụ của chi bộ đặc thù này.
Theo Thượng tá Lê Hồng Giang thì trước mắt, chúng ta nên tập trung khắc phục những khó khăn, bất cập, xây dựng các chi bộ thí điểm hoàn thiện về mọi mặt, nâng cao chất lượng hoạt động, tạo tính bền vững cao. Sau đó, tổng kết rút kinh nghiệm, xây dựng được cái “khung” tối ưu nhất cho mô hình này rồi mới triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.