Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU ngày 17/8/2011 của Tỉnh ủy, một trong những mặt còn yếu khiến những người làm công tác xây dựng Đảng của tỉnh trăn trở là trên địa bàn vẫn còn 4 xóm, tổ dân phố (TDP) chưa có đảng viên và 257 xóm, TDP chưa có chi bộ độc lập. Làm thế nào để đến hết nhiệm kỳ, xóa hoàn toàn các xóm “trắng” đảng viên và giảm 50% số chi bộ đang sinh hoạt ghép đang là việc làm tích cực ở nhiều Đảng bộ.
4 xóm “trắng” đảng viên hiện nay là: xóm Đá Mài, xã Hùng Sơn (Đại Từ); xóm Yên Ngựa, xã Lâu Thượng (Võ Nhai); xóm Hồng Tiến, xã Trung Lương (Định Hóa) và Tổ dân phố 7, phường Trung Thành, T.P Thái Nguyên. Nhìn vào địa bàn của các xóm trên cho thấy, không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân cư thưa thớt mà ngay ở nơi đô hội như thành phố Thái Nguyên cũng có nơi “hiếm” đảng viên.
Nằm trong khu nhà tập thể 5 tầng do Công ty Gang thép Thái Nguyên xây dựng từ hơn nửa thế ký trước, Tổ dân phố 7, phường Trung Thành có 54 hộ, trong đó có 34 hộ là cán bộ nhà nước nghỉ hưu hoặc đang công tác, 20 hộ làm nghề buôn bán nhỏ, đời sống còn nhiều khó khăn. Đồng chí Đào Thị Hạnh Nguyên, Phó ban Tổ chức Thành ủy cho biết: tình trạng “trắng” đảng viên ở nơi này đã từ nhiều năm nay và việc xóa “trắng” đang gặp khó khăn do tổ trưởng cũng như trưởng các đoàn thể ở đây hầu hết tuổi đã cao, đa số người dân không yên tâm sống lâu dài ở đây, có điều kiện là mua nhà chuyển đi nơi khác. Thành ủy đã phân công một đảng ủy viên theo dõi, đề xuất giải pháp để xóa “trắng” nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Việc thiếu nguồn để phát triển đảng viên (ĐV) cũng là nguyên nhân chung của 3 xóm còn lại. Xóm Yên Ngựa (Lâu Thượng) là điển hình. Đồng chí Hoàng Văn Hiền, Phó Ban Tổ chức Huyện ủy Võ Nhai cho biết: năm 2008 huyện đã “xóa” xong “trắng” ĐV ở đây. Yên Ngựa lúc đó có 2 đảng viên. Nhưng rồi, 1 ĐV chuyển đi nơi khác sinh sống, 1 ĐV chuyển sang xóm ngay bên cạnh, từ đó Yên Ngựa thành “trắng” ĐV. Tương tự, tình trạng trên cũng đang diễn ra ở xóm Hồng Tiến (Trung Lương). Mặc dù Huyện ủy Định Hóa đã chỉ đạo quyết liệt, phân công một cấp ủy viên về chỉ đạo giải quyết vấn đề này nhưng trước thực tế “kiệt nguồn” đang diễn ra ở đây, việc “xóa” cũng không thể làm được trong năm nay.
Trong số 4 xóm “trắng” nói trên, xóm Đá Mài, xã Hùng Sơn đã phát tín hiệu mừng. Đồng chí Đặng Cương Quyết, Phó Ban Tổ chức Huyện ủy Đại Từ cho hay: Đảng ủy xã đã cử được một quần chúng ưu tú ở đây đi học lớp cảm tình đảng và việc “xóa” sẽ xong vào cuối năm nay. Tuy nhiên, ông Quyết cũng lo lắng về tình trạng “trắng” có thể “tái phát” bất kể lúc nào, nếu đảng viên hiếm hoi đó đi làm ăn xa hoặc chuyển đi nơi khác sinh sống.
Bên cạnh 4 xóm trắng đảng viên, hiện toàn tỉnh còn có 257 xóm chưa có chi bộ độc lập đang phải sinh hoạt ghép. Nguyên nhân việc chia tách chi bộ gặp khó khăn là do nhiều xóm tuy đủ điều kiện về số lượng đảng viên để thành lập chi bộ nhưng đa số là cán bộ hưu, nhiều nơi đảng viên cùng một gia đình, cùng một dòng họ nên việc chia tách sẽ không đảm bảo chất lượng.
Để đạt chỉ tiêu của Đề án, đã có đơn vị tìm ra cách làm hay tạo được nguồn kết nạp. Đồng chí Nguyễn Thị Liễu, Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Sông Công chia sẻ cách làm của đơn vị: Qua khảo sát tại cơ sở, chúng tôi thấy nguyên nhân thiếu nguồn kết nạp chủ yếu là các quần chúng ưu tú chưa cập chuẩn về trình độ văn hóa theo Điều lệ Đảng (hết THCS). Vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên của thị xã mở lớp, giảm học phí, động viên các quần chúng này đi học. Tháng 10 năm nay, một lớp học như thế, trong đó có 15 quần chúng của chúng tôi sẽ được cấp bằng THCS, đó là nguồn để chúng tôi kết nạp Đảng trong nhiệm kỳ này. Với cách làm này, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Thị ủy Sông Công đã xóa được 3/7 xóm sinh hoạt ghép. Đến hết nhiệm kỳ (2015), 4 xóm còn lại cũng được tách ghép.
Đồng chí Đặng Văn Ngự, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này cũng rất trăn trở: Mặc dù đã giảm 77 xóm, TDP sinh hoạt ghép và xóa được 1 xóm trắng đảng viên, nhưng nguồn quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp vào Đảng đang là khó khăn trong việc “xóa” xóm ghép và xóm “trắng” đảng viên đạt mục tiêu Đề án. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta dễ dãi, xem nhẹ chất lượng kết nạp. Quan điểm của tôi là: chỉ kết nạp và tách chi bộ khi đảm bảo được người đó, tổ chức cơ sở Đảng đó đạt tiêu chuẩn, đảm nhiệm được vai trò của mình. Hiện nay các Đảng bộ đã đưa người về những địa bàn này để khảo sát, cùng tháo gỡ khó khăn với địa phương. Cách làm của Thị ủy Sông Công cũng là cách làm hay, chúng ta có thể tham khảo.