(LTS) Mảnh đất kiên trung, hiền lành, giản dị Quảng Trị Anh hùng năm nay tròn nửa thế kỷ được giải phóng. Những ngày cuối tháng Tư, đầu tháng Năm này, Nhà nước, tỉnh Quảng Trị tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa, ngoài Lễ kỷ niệm còn có 2 điểm nhấn: Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông” tổ chức tại Di tích Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và hoạt động nhân 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Nhà báo Hữu Minh, cộng tác viên của chúng tôi đang tham dự các hoạt động tại Quảng Trị sẽ có loạt bài phản ánh dành riêng cho Báo Thái Nguyên…
Vâng! Ngót 70 năm rồi, cái địa danh, giới tuyến sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, Vĩnh Linh, Vĩ tuyến 17… được nhắc tới cả triệu triệu lần. Hôm nay, ngày 27/4/2022, một lần nữa tôi lại trở về nơi này - Vĩ tuyến 17, để tham dự và phản ánh các hoạt động nhân 50 năm giải phóng Quảng Trị, cũng là từng ấy thời gian cái giới tuyến chia cắt đất nước này bị xoá bỏ… Vì là di tích quốc gia đặc biệt nên những gì còn lưu giữ ở đây thật sự quý giá…
Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng… Hội nghị Giơ-ne-vơ được mở tại Thuỵ Sỹ để bàn thảo việc kết thúc chiến tranh tại Việt Nam. Và cái thời khắc 17h ngày 20/7/1954 khi Hiệp định được công bố, lấy Vĩ tuyến 17 làm phân định giới tuyến quân sự Bắc - Nam tạm thời để cho Việt Nam chuẩn bị Tổng tuyển cử vào năm 1956 đã được ấn định.
Vĩ tuyến 17 chạy dọc sông Bến Hải, nằm ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Điều 6 của Tuyên bố nêu rõ: “Đường ranh giới quân sự chỉ có tính chất tạm thời, không thể coi là biên giới chính trị hoăc lãnh thổ…”. Điều 7 thì khẳng định: “Đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị, thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; Cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7/1956; Kể từ ngày 20/7/1955, hai bên sẽ gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó”… Thế nhưng, trà đạp lên Hiệp định, các chính quyền Sài Gòn và đế quốc Mỹ với dã tâm chia cắt lâu dài Việt Nam đã biến Vĩ tuyến 17 thành biên giới lãnh thổ trong suốt 20 năm trường.
Đất nước bị kẻ thù chia cắt, Vĩ tuyến 17, Vĩnh Linh, Quảng Trị trở thành tuyến lửa, trở thành biểu tượng thiêng liêng của sự hy sinh quả cảm, quật cường và khát vọng thống nhất non sông của quân và dân ta. Lịch sử đấu tranh giành độc lập, thống nhất tiếp tục được Vĩnh Linh, Gio Linh, hay cô đọng nhất là Vĩ tuyến 17 viết những trang chói lọi nhất…
Đến với Vĩ tuyến 17 cầu Hiền Lương sau nửa thế kỷ thông dòng, xoá vạch chia cắt, lòng người nao nao xúc động, muốn viết nhiều, nói nhiều về những kỳ tích cả xưa kia và ngày hôm nay. Tôi chọn trích dẫn ra đây câu nói của chị Nguyễn Thị Dung, nhân viên làm việc tại Di tích: “Biết ơn thế hệ cha ông, thế hệ hôm nay phải hiểu về cái giá của thống nhất non sông, cái giá của độc lập tự do để lao động và cống hiến…”.
Trao đổi với báo chí, đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nêu rõ: Các hoạt động kỷ niệm nhằm ôn lại và phát huy truyền thống vẻ vang, bất khuất của mảnh đất và con người Quảng Trị trong công cuộc phát triển hôm nay. Trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm có mấy điểm nhấn quan trọng: Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông” tại Di tích Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải vào ngày 30/4. Điểm mới trong hoạt động này là cùng phần lễ trọng có diễu binh, diễu hành biểu dương lực lượng… Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Quảng Trị, 50 năm sự kiện bi tráng 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị sẽ được tổ chức sáng 01/5, trọng thể và thiêng liềng cùng chương trình nghệ thuật đăc sắc có chủ đề “Khát vọng Quảng Trị”.
***
Quảng Trị - khúc ruột miền Trung hôm nay đang từng ngày đổi mới! Với diện tích 4.738 cây số vuông, 180km đường biên giới với 2 tỉnh Savannakhẹt, Sanavan của Lào; cửa khẩu Lao Bảo, cảng biển Cửa Việt, nguồn lao động dồi dào.
Đặc biệt, Quảng Trị ngày nay đang sở hữu tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng. Du lịch văn hoá, lịch sử được tạo nên bởi hệ thống di tích chiến tranh hết sức đồ sộ và độc đáo, trong đó có những địa danh đã đi vào lịch sử: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Địa đạo Vĩnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị; Đường Chín - Khe Sanh; Đường Hồ Chí Minh; Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn… Cùng với đó là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng: Trầm Trà Lộc, rừng nguyên sinh Rú Lịnh, động Brai, giếng cổ Do An… Những bãi biển đẹp thơ mộng ở Cửa Tùng, Cửa Việt, Vĩnh Thái.
Quảng Trị đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng mới của khu vực miền Trung với thế mạnh về năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời)… Chịu thương, chịu khó, chắt chiu xây dựng và bảo vệ quê hương - phẩm chất ấy của người Quảng Trị thời nào cũng vậy. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Quảng Trị đang tạc vào lịch sử quê hương những con số đáng tự hào: GRDP đạt trên 35 nghìn tỷ đồng, bình quân đầu người đạt gần 60 triệu…
Hôm nay, 27/4/2022, cán bộ ngành Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Quảng Trị đưa tôi đến cầu Hiền Lương, xã Do Linh, huyện Triệu Phong trên những con đường nhựa thẳng tắp, làng quê yên ả mượt mà, anh bảo: “Đất nước tươi đẹp như hôm nay là nhờ ơn của các thế hệ đi trước, chúng em lao động tích cực, trách nhiệm góp phần để quê hương Quảng Trị ngày càng giàu đẹp…”
Vĩ tuyến 17 hôm nay là thế, là những thành tựu to lớn rất đỗi tự hào.