Truyền thông chính sách tập trung vào đối tượng con người; mọi chính sách đều hướng đến người dân, bảo đảm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc… Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách với chủ đề Nhận thức - Hành động - Nguồn lực.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải) |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì Hội nghị; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các cơ quan thông tấn báo chí chủ chốt tham dự.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ở nước ta, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai cho thấy nhiều vấn đề nảy sinh trong cách thức tổ chức bộ máy và đầu tư nguồn lực cho công tác này, dẫn đến nhiều tình huống bị động, lúng túng trong việc chủ động cung cấp thông tin chính sách hoặc thực hiện công việc này chưa thật sự hiệu quả.
Không gian truyền thông giờ đây phức tạp, đa dạng hơn trước rất nhiều, đặc biệt là từ khi xuất hiện các phương thức truyền thông mới trên không gian mạng, thậm chí có lúc các nguồn thông tin không chính thống có xu hướng lấn át các kênh thông tin chính thống từ cơ quan Nhà nước, đòi hỏi chúng ta phải đánh giá lại cách thức tổ chức và thực hiện công tác truyền thông chính sách trong tình hình mới, trên cơ sở phát huy ưu thế sẵn có và học hỏi kinh nghiệm quốc tế để đạt sự đồng thuận về nhận thức, hành động và nguồn lực cho công tác này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải) |
Truyền thông chính sách giờ đây cũng được coi là phương thức quan trọng để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước: Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” là một nỗ lực thể hiện sự thay đổi lớn trong việc đưa công tác truyền thông chính sách tham gia từ những công đoạn đầu tiên của việc xây dựng pháp luật, trong đó đặt trọng tâm là đánh giá đầy đủ tác động truyền thông, tác động xã hội của việc hoạch định chính sách pháp luật.
Kể từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới, kế thừa những quan điểm, chủ trương và cách làm hiệu quả từ những khóa trước, kết hợp nhiều cách làm mới sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo điều hành đất nước nói chung và trong công tác truyền thông chính sách nói riêng, Chính phủ rút được nhiều bài học quý báu và đúc kết được nhiều kinh nghiệm, cách làm hay, riêng có của mình để truyền thông chính sách và tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị và trong xã hội.
Thành công của những chủ trương, quyết sách lớn trong phòng, chống dịch (chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 lớn nhất từ trước tới nay được hoàn thành trong thời gian kỷ lục; việc xét nghiệm “thần tốc” để khoanh vùng dập dịch; các biện pháp đảm bảo an sinh và trật tự an toàn xã hội...) đều có bóng dáng của hoạt động truyền thông chính sách nhất quán, đa dạng, đa phương thức từ Trung ương tới tận các xã, phường, thị trấn.
Hiện nay, trong bối cảnh khôi phục nền kinh tế sau đại dịch, công tác truyền thông chính sách được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hết sức coi trọng, với các Đề án, kế hoạch truyền thông tổng thể, chi tiết cho từng nhóm vấn đề.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Truyền thông chính sách là một phần quan trọng trong hoạt động của Đảng, Nhà nước, trong đó có Chính phủ, có vai trò quan trọng, đặc biệt là các chính sách. Hiện nay, công tác đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xuyên suốt quá trình này là lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, phát huy tối đa năng lực, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức con người Việt Nam.
Truyền thông chính sách tập trung vào đối tượng con người; mọi chính sách đều hướng đến người dân, bảo đảm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc; người dân phải tham gia vào quá trình xây dựng chính sách pháp luật; Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, người dân làm chủ theo tinh thần "dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Do đó, công tác truyền thông phải đến được với người dân.
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trong cả nước. (Ảnh: Trần Hải) |
Hội nghị nhằm mục tiêu làm tốt hơn công tác truyền thông chính sách, cùng với đó để người dân hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, người dân tự giác tham gia vào việc tổ chức thực hiện cùng với cơ quan quản lý Nhà nước, người dân phản hồi lại chính sách nào được, chính sách nào chưa được, chưa hoàn thiện; người dân phải được hưởng thụ chính sách này đúng quy định của pháp luật. Chúng ta cũng phải lắng nghe xem các chính sách đã hoàn thiện chưa...
Từ đó, chúng ta xem lại công việc đã làm xem đã “đúng, trúng, hiệu quả” chưa, nguyên nhân chủ quan, khách quan như thế nào; mục tiêu thời gian tới, rồi các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương, bộ, ngành, đối với từng cán bộ, công chức, viên chức, hướng đến mục tiêu góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no. Quan trọng nhất là chúng ta thống nhất nhận thức, hành động “đúng, trúng, hiệu quả”, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin