Dù ở nhiều lứa tuổi, cương vị khác khau nhưng những người uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đều là những tấm gương tiêu biểu trong lao động, xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư. Nhờ đi đầu, mẫu mực trong mọi hoạt động, phong trào, người uy tín luôn được đồng bào DTTS tôn trọng, nghe theo, làm theo.
Tuổi đã cao nhưng ông Lê Văn Ký, ở thị trấn Quân Chu (Đại Từ), vẫn cần mẫn chăm bón vườn cây ăn quả của gia đình. |
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực vươn lên của người dân, kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS tại Thái Nguyên được cải thiện rõ rệt. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy; người dân luôn có ý thức cảnh giác, không để kẻ xấu lôi kéo gây mất đoàn kết và chia rẽ dân tộc...
Trong những kết quả này có phần đóng góp công sức không nhỏ của những người uy tín trong cộng đồng DTTS trên địa bàn tỉnh.
Thái Nguyên hiện có gần 1.000 người uy tín, đang giữ các chức danh trong cộng đồng người DTTS, như: bí thư chi bộ; trưởng xóm; nhân sĩ, trí thức; cán bộ nghỉ hưu; già làng; trưởng dòng họ; doanh nhân, người sản xuất; chức sắc tôn giáo và các thành phần khác. Nhận thức được vị trí, vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS, những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể chính trị của tỉnh luôn quan tâm công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của đội ngũ này. Hàng năm, các cơ quan chức năng của tỉnh và các huyện, thành phố đều rà soát, đánh giá để bình chọn, xét công nhận người có uy tín.
Để người có uy tín trong cộng đồng DTTS phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, các cấp chính quyền, đoàn thể đã tổ chức nhiều hội nghị cung cấp thông tin; tập huấn, tham quan, giao lưu, học tập kinh nghiệm; tổ chức các lớp trang bị kiến thức để người có uy tín về cộng đồng tuyên truyền người dân không vi phạm pháp luật, cảnh giác với âm mưu xấu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ, chống phá.
Ông Triệu Thanh Bình, ở xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng (Định Hóa), cho biết: Với cương vị là Trưởng xóm, tôi thường xuyên tham mưu cho Chi ủy và Ban công tác mặt trận xóm thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chung tay xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân hiến đất, đối ứng kinh phí để làm đường bê tông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Qua đó, góp phần hoàn thành 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Còn bà Lưu Thị Luyện, dân tộc Tày, ở xóm Na Biểu, xã Phủ Lý (Phú Lương), chia sẻ: Là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng xóm nên tôi luôn đồng hành cùng Chi bộ, Ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện những tiêu chí gia đình nông thôn mới, xóm nông thôn mới. Ngoài ra, tôi tích cực vận động nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hòa giải các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ dòng tộc hoặc trong xóm trên cơ sở tập tục của dòng họ, xóm bản; vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài ra, người có uy tín trong cộng đồng DTTS của tỉnh còn góp sức tích cực trong hoạt động tuyên truyền giáo dục đoàn viên, thanh thiếu niên về công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; tham gia giải quyết các vụ việc xảy ra tại cơ sở, không để diễn biến phức tạp về an ninh trật tự.
Người uy tín cũng vận động nhân dân cam kết không trồng, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy; tham gia hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư", góp phần tích cực trong việc phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn bản làng sạch đẹp, bài trừ các hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin