Quyết liệt phòng và chống để giữ trong sạch, liêm khiết  

Văn Hiến 09:24, 25/01/2023

Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trở thành việc làm cấp thiết, thường xuyên của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua và đã đem lại nhiều kết quả, ý nghĩa lớn lao. Khác với những luận điểm xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của nước ta thực hiện công khai, dân chủ, nghiêm minh nhưng cũng có sự nhân văn nên nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân…

Thường trực Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.
Thường trực Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.

Đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và quyết tâm tạo bước chuyển mới, mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban, để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.

Sau gần 10 năm hoạt động, Ban Chỉ đạo Trung ương đã thực sự thể hiện bản lĩnh, quyết tâm và những kết quả đã đạt được thấy rõ “việc cần làm ngay” giúp Đảng mạnh, đất nước hùng cường, nhân dân hạnh phúc… Cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động, tăng cường chỉ đạo, tập trung kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; xử lý cả cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao và cán bộ trong lực lượng vũ trang; làm một cách nghiêm minh; kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho kỷ luật hành chính và cho công tác thanh tra, điều tra, xử lý hình sự.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thể hiện rõ bản lĩnh, tinh thần kiên quyết, mở rộng phạm vi, đối tượng; xử lý dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương.

Tại tỉnh Thái Nguyên, cơ quan chức năng đã xử lý hàng chục vụ án tham nhũng, tiêu cực liên quan đến nhiều lĩnh vực, đối tượng. Trong đó có cán bộ thuộc diện Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý…

Từ năm 2012 đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý, thu hồi được hơn 975 nghìn tỷ đồng, gần 76 nghìn ha đất; xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu phạm tội; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp.

Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, đã thể hiện thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, nên việc này ngày càng kiên quyết hơn.

Công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở tỉnh Thái Nguyên cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", kịp thời ngăn chặn, xử lý các vụ việc.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đang yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ Dự án chung cư dang dở tại phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đang yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ Dự án chung cư dang dở tại phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên.

“4 không” phát huy công dụng

Đi đôi với việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được Đảng, Nhà nước chú trọng, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp, quy định mới, mạnh mẽ, ngày càng quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhiều quy định, nghị quyết, nhất là Quy định số 69 mới đây của Trung ương được quán triệt và thực hiện nghiêm túc sẽ khắc phục được những sơ hở, bất cập trước đây làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Từ Trung ương đến địa phương đều tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Công tác tiếp nhận, xử lý, giải đáp, phản hồi những ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân và đối thoại với các tầng lớp nhân dân cũng được quan tâm. Tăng cường việc kiểm soát tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm người đứng đầu; thanh toán không dùng tiền mặt; sửa đổi, ban hành chế độ, định mức, tiêu chuẩn; cải cách chính sách tiền lương, thu nhập, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức... góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được tăng cường và có nhiều đổi mới; sự giám sát của các cơ quan dân cử, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phát huy tốt hơn.

Hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh; nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được nâng lên. Việc công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế; chủ động cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm, dư luận quan tâm, cũng đã góp phần định hướng tốt dư luận xã hội và thể hiện sự công khai, minh bạch trong xử lý tham nhũng. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực vào cuộc, tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Với sự quyết tâm và vào cuộc đồng bộ như trên, chắc chắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong năm 2023 và các năm tiếp theo sẽ đạt kết quả to lớn hơn nữa.

10 năm qua, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc.

Trong đó, Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo.