Bản lĩnh trong quản lý, sử dụng mạng xã hội và ứng dụng công nghệ

Theo NDĐT 13:55, 14/04/2023

Không thể phủ nhận vai trò của các ứng dụng, nền tảng mạng xã hội, nhất là các nền tảng xuyên biên giới trong việc tuyên truyền, đưa những thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước đến nhân dân một cách chính xác, nhanh. Thông qua ứng dụng công nghệ, mạng xã hội, người dân được cập nhật những thông tin hữu ích và chia sẻ góc nhìn của bản thân đối với các vấn đề mà họ quan tâm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, mạng xã hội là một không gian mở, có sự kết nối rộng và cho phép người dùng không cần xác thực danh tính dẫn đến tình trạng một số cá nhân lợi dụng quyền tự do để phát tán những thông tin sai sự thật. Nghiêm trọng hơn, một số nội dung trên mạng xã hội làm lệch lạc nhận thức của giới trẻ, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch chống phá Đảng và Nhà nước...

Tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông tin về một số vi phạm của TikTok và một số nền tảng xuyên biên giới.

Chỉ trong vòng ba năm, TikTok đã phát triển nhanh, có lượng người sử dụng rất lớn, nhưng TikTok lại không thực hiện tốt việc giám sát, quản lý những nội dung đối với người dùng, dẫn đến hậu quả mạng xã hội này trở thành mối đe dọa đối với việc bảo đảm an toàn trên không gian mạng.

Từ đầu năm 2022, nền tảng này manh nha xuất hiện nhiều nội dung chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật tại Việt Nam. TikTok đã sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động tạo ra xu hướng độc hại, gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ. Không chỉ riêng TikTok, các mạng xã hội khác như Facebook và YouTube cũng chứa nhiều nội dung độc hại, không qua kiểm chứng.

Với đặc tính hấp dẫn, lôi cuốn, các trang mạng xã hội rất dễ làm thanh, thiếu niên sao nhãng việc học hành, tinh thần uể oải, sa sút... Và từ chỗ bị lôi cuốn, thu hút sẽ dẫn đến lệ thuộc, rồi nghiện, trong khi giới trẻ lại có quá ít các kỹ năng, kinh nghiệm để ứng phó. Việc xem những nội dung độc hại của các nền tảng mạng xã hội trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người dùng, làm lệch lạc lối sống, suy nghĩ của họ.

Bên cạnh đó, tình trạng nhiều hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc được bán tràn lan trên nền tảng mạng xã hội gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, làm gia tăng tội phạm lừa đảo.

Bên cạnh mạng xã hội, các ứng dụng công nghệ mới cũng cần có biện pháp ngăn chặn thông tin sai lệch. Vài năm trước, người dùng phát hiện ứng dụng Google Maps nhiều lần chú thích sai thông tin, nhất là liên quan vị trí địa lý trên vùng Biển Đông.

Mới đây, từ sự phản ánh của dư luận về việc bản đồ trên ứng dụng của Grab tại Việt Nam thể hiện thông tin sai lệch nghiêm trọng về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, Grab đã phải xin lỗi và triển khai xử lý, điều chỉnh lại trên ứng dụng của mình về chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.

Để ngăn chặn những sai phạm trên nền tảng mạng xã hội hay ứng dụng công nghệ, các đơn vị quản lý ứng dụng, nền tảng mạng xã hội trước hết phải có ý thức, thực thi nghiêm các quy định của nước sở tại về pháp luật có liên quan. Đồng thời có trách nhiệm xây dựng một cộng đồng người dùng thông minh. Phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn những tin xấu, tin giả, những thông tin sai sự thật chưa được kiểm chứng; mạnh tay xử lý những tài khoản sử dụng với mục đích xấu, gây ảnh hưởng đến an toàn không gian mạng.

Các nhà quản lý các ứng dụng, nền tảng mạng xã hội cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi nội dung gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, chính trị quốc gia.

Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cần tăng cường giám sát, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, thông tin vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân này không thực hiện sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn toàn bộ nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, phối hợp các bộ, ngành liên quan có những đánh giá toàn diện về tác động, ảnh hưởng của các mạng xã hội đối với cộng đồng và giới trẻ. Xây dựng kế hoạch truyền thông để thúc đẩy, hình thành các xu hướng ứng xử văn hóa mạng lành mạnh; giúp mỗi người dùng mạng xã hội tỉnh táo, chọn lọc những nội dung phù hợp để xem, nâng cao nhận thức và vai trò của bản thân để trở thành người dùng mạng xã hội thông minh, không để các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.