Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 5/6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm việc tại Hội trường, nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); sau đó tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, chủ trì thảo luận tổ. |
Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tham gia tổ thảo luận số 7 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, chủ trì thảo luận tổ.
Tham gia thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn Thái Nguyên) đề nghị bổ sung 1 khoản vào Điều 52 (quy định về quỹ đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư) với nội dung: “Trong trường hợp cần quỹ đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở để phục vụ tái định cư được xác định tại Điều 53 của Luật này báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận sử dụng quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội để thực hiện dự án xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư”, để trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội để thực hiện dự án xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư.
Việc bổ sung như trên nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án cần quỹ đất phục vụ tái định cư và đồng bộ với Điều 50 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn Thái Nguyên) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. |
* Buổi chiều, các ĐBQH thảo luận tại tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Tham gia ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn Thái Nguyên) đề nghị Ban soạn thảo phân loại và quy định riêng các nguyên tắc đối với từng hoạt động quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra để tối ưu hóa trong khai thác, sử dụng nguồn nước. Đồng thời, nên bổ sung các nguồn nước mưa, nước ngầm, nước biển vào khoản 1 Điều 4 để thể hiện tính toàn diện, bao quát, tổng hợp trong quản lý tài nguyên nước.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo cũng đề nghị thể hiện lại khoản 3 Điều 61 quy định về phòng, chống xâm nhập mặn để bao quát hết các đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Về điều khoản chuyển tiếp (Điều 63), đại biểu đề nghị nghiên cứu xác định lộ trình để các tổ chức, doanh nghiệp quản lý các công trình khai thác, sử dụng nước đáp ứng điều kiện cấp phép, đăng ký; đồng thời xác định trách nhiệm của các tổ chức này nếu hết thời hạn mà không thực hiện.
Đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bổ sung vào dự thảo Luật một chương riêng về Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng luật hóa các quy định đã được áp dụng ổn định, được kiểm nghiệm thực tiễn tại các nghị định có liên quan của Chính phủ nhằm xác định địa vị pháp lý của các ngân hàng chính sách như yêu cầu tại thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn Thái Nguyên) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. |
Thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn Thái Nguyên) cho rằng, việc đặt ra các quy định để hạn chế sở hữu chéo của doanh nghiệp đối với ngân hàng là cần thiết. Tuy nhiên, việc áp dụng tùy tiện có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu lại quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa từ 5% xuống 3% đối với cổ đông cá nhân, từ 15% xuống 10% đối với cổ đông tổ chức.
Về giới hạn cấp tín dụng quy định tại Điều 127 của dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Anh Công đề nghị cần xem xét, cân nhắc lại mức giảm giới hạn cấp tín dụng, đảm bảo giới hạn về cho vay và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một hoặc một nhóm cổ đông tại ngân hàng nhưng tránh gây giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng, ảnh hưởng đến việc cung ứng vốn cho nền kinh tế…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin