Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, chiều 26-10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển (Báo Đại biểu nhân dân) |
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) cho rằng: Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần điều chỉnh cách tiếp cận nhà ở xã hội theo hướng rộng hơn, tức là nhà ở cho xã hội, cho các nhóm đơn vị khác nhau, chứ không đơn thuần bó hẹp là nhà ở xã hội cho một số nhóm đối tượng chính sách. Trong khi đó, xu hướng chung của các nước trên thế giới đang tiếp cận theo hướng nhà ở phục vụ cho phát triển xã hội, do vậy sẽ có rất nhiều phân khúc khác nhau.
Về một số nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị giải thích, làm rõ một số khái niệm, như: Phát triển nhà ở, cải tạo nhà ở, chủ sở hữu nhà chung cư; đồng thời bổ sung khái niệm bảo trì, bảo hành nhà ở.
Đối với quy định về hình thức sử dụng đất đai trong đầu tư nhà ở thương mại, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá kỹ phương án của Chính phủ, vì nội dung này liên quan đến các đối tượng đã có quyền sử dụng đất trước đó.
Liên quan đến quy định về nhà ở xây dựng từ vốn đầu tư công, đại biểu cho rằng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước nên tập trung để phát triển nhà ở xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thông qua chính sách thuế, chính sách hỗ trợ về quyền sử dụng đất, còn việc đầu tư trực tiếp từ ngân sách Nhà nước để xây dựng nhà ở thì chỉ nên áp dụng đối với một số công trình cụ thể.
Về nhà ở lưu trú cho công nhân, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị cần kết hợp cả 2 phương án: Nhà ở trong và ngoài khu công nghiệp; đồng thời giao cho các địa phương quyết định nội dung này...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin