Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV:
Thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết

Thu Hoài (Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh) 16:45, 27/10/2023

Theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 27-10, các đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cùng các
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tham gia phiên thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Quang Khánh (Báo Đại biểu nhân dân)

Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) đánh giá: Việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn, thống nhất 3 lực lượng hiện đang hoạt động ở cơ sở (là bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng) thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 

Đại biểu Đoàn Thị Hảo nhấn mạnh, đây là lực lượng nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản ở cơ sở, đã và đang hỗ trợ hiệu quả cho công an cấp xã, ban chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã, phường, thị trấn, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân và đang được ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí hoạt động.

Đối với quy định về quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Đoàn Thị Hảo cho rằng: Quyền hạn phải gắn với chức năng quản lý Nhà nước và thực hiện quyền lực Nhà nước. Còn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng, được tuyển chọn để hỗ trợ công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Do đó, quy định như dự thảo Luật là phù hợp.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên)
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh: Doãn Tấn (TTXVN)

Về số lượng tổ và các chức danh của tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị không nên quy định “cứng” tối đa số lượng tổ và các chức danh của tổ, mà căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương để lựa chọn và quyết định phù hợp với nhu cầu của từng thôn, xóm, tổ dân phố.

Về các điều kiện bảo đảm cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoạt động, đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị, đối với các địa phương còn khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách để bảo đảm hoạt động của lực lượng này thì cần được ngân sách Trung ương hỗ trợ. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần xây dựng Đề án tổng thể để từng bước bố trí trụ sở làm việc, trang thiết bị phục vụ hoạt động cho lực lượng công an xã chính quy, ban chỉ huy quân sự xã, lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…

Tham gia ý kiến về dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với những người thuộc lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thời, cần quy định cụ thể về người chịu trách nhiệm đối với vi phạm của các cá nhân tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để bảo đảm tính nghiêm minh và hiệu quả hoạt động của lực lượng này…