Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte thăm chính thức Việt Nam. Là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Hà Lan trong hơn bốn năm qua, chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ Ðối tác toàn diện Việt Nam-Hà Lan phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả, đồng thời mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực, mở ra chương mới cho quan hệ Việt Nam-Hà Lan sau 50 năm hai nước hợp tác, đồng hành.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam đón Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại sân bay Quốc tế Nội Bài tối 1/11. (Ảnh: TTXVN) |
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Hà Lan tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, nhất là đầu tư, thương mại, nông nghiệp bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu. Hai nước đã thiết lập quan hệ Ðối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước vào năm 2010, Ðối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực năm 2014 và Ðối tác toàn diện năm 2019.
Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao, gần đây nhất là chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào năm 2022 và các chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vào các năm 2014 và 2019.
Hai nước cũng duy trì nhiều cơ chế hợp tác song phương như Ủy ban liên Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước, Hội nghị Bộ trưởng đánh giá thực hiện Thỏa thuận Ðối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao.
Tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, Việt Nam và Hà Lan có sự phối hợp chặt chẽ.
Sự tin cậy về mặt chính trị là nền tảng quan trọng giúp hai nước ngày càng xích lại gần nhau hơn và cùng nhau gặt hái nhiều thành quả đáng tự hào trên hành trình hợp tác kéo dài nửa thế kỷ qua. Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Âu.
Trao đổi thương mại song phương năm 2022 đạt 11,09 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2021. Hà Lan cũng là nhà đầu tư lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam với khoảng 400 dự án đầu tư, có tổng vốn đạt 13,5 tỷ USD, trong đó nổi bật có các dự án đầu tư của các tập đoàn lớn, hiện đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam như Heineken, Philips…
Hợp tác nông nghiệp và ứng phó biến đổi khí hậu là những điểm sáng nổi bật của quan hệ Việt Nam-Hà Lan.
Trong khuôn khổ quan hệ Ðối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, hai bên đã tích cực triển khai hợp tác trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu. Hà Lan hiện là nhà đầu tư lớn vào ngành nông nghiệp Việt Nam và đang từng bước giúp Việt Nam xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu trong lĩnh vực rau, hoa quả, làm vườn, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Trong khuôn khổ Ðối tác chiến lược về ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý nước, hai bên thiết lập Ủy ban liên Chính phủ điều phối hoạt động, theo đó nhiều dự án hợp tác được triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Trong những năm qua, quan hệ giữa các địa phương hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện. Hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Rotterdam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thích ứng và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Thủ đô Hà Nội và Thủ đô Amsterdam cùng sát cánh triển khai các giải pháp đô thị xanh, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn, quy hoạch, quản lý nguy cơ lũ lụt… Ngoài ra còn phải kể đến hợp tác giữa Bình Dương và các thành phố Eindhoven và Emmen, An Giang và thành phố Oss, Ðồng Tháp và thành phố Emmen, Vĩnh Long và tỉnh Gelderland, Bình Phước và thành phố Hoogeveen.
Những sợi dây gắn kết bền chặt giữa các địa phương hai nước đã góp phần giúp Việt Nam và Hà Lan vượt qua khoảng cách về mặt địa lý để ngày càng gắn bó.
Bên cạnh đó, quan hệ Việt Nam-Hà Lan đạt được nhiều bước tiến tích cực trong các lĩnh vực an ninh-quốc phòng, giao thông vận tải, giáo dục-đào tạo, hải quan và hàng hải, kinh tế tuần hoàn. Nhiều trường học của Hà Lan và cơ sở đào tạo của Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục bậc đại học. Hằng năm, Chính phủ Hà Lan hỗ trợ cho Việt Nam một số chương trình đào tạo chuyên sâu về luật quốc tế, quan hệ quốc tế, luật biển… Cộng đồng người Việt Nam ở Hà Lan với khoảng 20.000 người cũng góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt sự gắn kết giữa hai dân tộc.
Chuyến thăm Việt Nam lần này là lần thứ ba Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thăm Việt Nam. Chuyến thăm thể hiện Hà Lan coi trọng vị thế và quan hệ với Việt Nam, một mối quan hệ năng động và hiệu quả, vì lợi ích thiết thực và tương lai phát triển bền vững của cả hai quốc gia.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin