Sau 5 năm giải thể chi bộ cơ quan cấp xã: Những vấn đề đặt ra từ cơ sở (Kỳ 2)

Thu Hằng - Thu Huyền 10:07, 31/10/2023

Kỳ 2: Can thiệp sớm, gỡ khó kịp thời

Đến nay, chưa có báo cáo đánh giá nào về kết quả thực hiện việc đưa đảng viên công chức cấp xã về sinh hoạt tại chi bộ khu dân cư (CBKDC) theo Kết luận số 38-KL/TW ngày 13/11/2018 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, dù có hay không việc tái thành lập các chi bộ cơ quan thì hiện nay vẫn rất cần sự thay đổi trong quá trình triển khai nội dung này để mang lại hiệu quả cao trong việc thực hiện nhiệm vụ của các đảng viên công chức, vừa phát huy vai trò lãnh đạo của các CBKDC. Từ đó góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tại nhiều xã, phường, thị trấn, công chức làm việc tại bộ phận một cửa khá vất vả trong việc sắp xếp công việc để tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt tại chi bộ khu dân cư.
Tại nhiều xã, phường, thị trấn, công chức làm việc tại bộ phận một cửa khá vất vả trong việc sắp xếp công việc để tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt tại chi bộ khu dân cư.

Tiếng nói người trong cuộc

Theo lãnh đạo cấp ủy nhiều địa phương và của chính các đảng viên công chức, tại nhiều CBKDC, phần lớn đảng viên công chức bình thường (không giữ các vị trí lãnh đạo), khi tham gia sinh hoạt, thường rất ít, thậm chí là không phát biểu nếu nội dung cuộc họp không liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn của họ. Ngay cả đối với những đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, thì không phải ai và trong buổi sinh hoạt nào họ cũng có ý kiến.

Chính vì thế, theo các đồng chí: Tống Duy Kiên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Giang Tiên (Phú Lương); Phạm Thị Hồng Hạnh, Bí thư Đảng ủy phường Quang Trung; Trần Thanh Vân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên) và nhiều đảng viên công chức ở các xã, phường, thị trấn khác: Vai trò của các đảng viên công chức bình thường ít được phát huy tại các cuộc họp CBKDC. Còn đối với đảng viên công chức dự họp với tư cách là lãnh đạo cấp trên thì lại khác. Lúc này, họ sẽ phải có ý kiến phát biểu định hướng, chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.

Đồng chí Hoàng Thanh Giao, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Bình: “Tôi cho rằng nên tái thành lập chi bộ cơ quan để phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả thì các đồng chí ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ đảng ủy cấp xã cần tăng cường bám sát cơ sở, thực hiện nghiêm việc dự sinh hoạt với CBKDC. Đồng thời phải chứng minh được trình độ, năng lực và là tấm gương để các đảng viên khác noi theo”...

Do đó, nếu chi bộ cơ quan được tái thành lập, các đảng viên khi này không tham gia sinh hoạt mà với tư cách là đảng viên của chi bộ, mà với tư cách cấp trên tại CBKDC thì các mục tiêu mà Bộ Chính trị hướng tới vẫn có thể đạt được nếu việc tổ chức thực hiện khoa học, bài bản.

Theo đó, đối với việc nắm bắt, nâng cao chất lượng hoạt động của các CBKDC: Hiện nay, ở tất cả các xã, phường, thị trấn, các đồng chí ủy viên ban chấp hành đảng bộ đều được phân công phụ trách từ 1-2 chi bộ và phải dự sinh hoạt định kỳ mỗi tháng/lần, hoặc 2 tháng/lần với chi bộ đó (tùy quy định mỗi nơi). Đối với các đồng chí ủy viên ban thường vụ dự sinh hoạt tại các chi bộ 3 tháng hoặc 6 tháng/lần.

Chưa kể ở hầu hết các địa phương, các đồng chí ủy viên ban chấp hành hoặc ban thường vụ còn thường xuyên kết nối với các tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ qua zalo, facebook… nên mọi công việc hay vấn đề phát sinh đều được các đồng chí này báo cáo kịp thời. Nhờ đó, việc nắm bắt tình hình thực tế tại cơ sở hoàn toàn có thể đạt được nêu làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện này.

Cũng theo lãnh đạo cấp ủy nhiều xã, phường, thị trấn: Khi các đồng chí ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy cấp xã làm tốt việc phân công phụ trách, sinh hoạt với các CBKDC thì sẽ giúp nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng yếu kém, chưa đủ sức phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở, thậm chí mất sức chiến đấu…

Tuy nhiên, trong trường hợp này thì việc gắn kết giữa các đồng chí ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ được phân công phụ trách sẽ phải thường xuyên, liên tục hơn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như nếu khu dân cư đó đang có vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng hay tư pháp, hộ tịch… thì cần cử công chức xã có chuyên môn cùng về dự họp để kịp thời hỗ trợ, giải đáp, tránh để lâu ngày, nảy sinh mâu thuẫn.

Nơi phù hợp, nơi không

Trong khi có một tỷ lệ nhất định những người trong cuộc ở các huyện đánh giá cao hiệu quả của chủ trương đưa đảng viên công chức cấp xã về sinh hoạt tại CBKDC, thì đối với các địa phương như TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công và một số thị trấn của các huyện, phần lớn những người được hỏi lại mong muốn sớm tái thành lập chi bộ cơ quan. Tại sao lại có sự khác biệt tương đối rõ rệt này?

Đối với các địa bàn đô thị, số lượng công chức cấp xã phần đông là người địa phương khác nên việc tham gia sinh hoạt tại CBKDC trở nên khó khăn do bất cập cả về thời gian và nội dung sinh hoạt. Trong khi đó, cơ bản người dân nói chung, các đảng viên nói riêng ở những nơi này có trình độ nhận thức tương đối cao nên việc đảng viên công chức sinh hoạt tại CBKDC theo đánh giá của lãnh đạo cấp ủy cấp xã nhiều nơi là không cần thiết. Trong khi đó, việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở cơ quan xã, phường, thị trấn lại bị hạn chế.

Đối với các huyện, tỷ lệ người dân làm nông nghiệp vẫn chiếm phần lớn; năng lực lãnh đạo của nhiều tổ chức cơ sở đảng có phần hạn chế hơn; công chức cấp xã lại chủ yếu là người địa phương nên mô hình tổ chức sinh hoạt đảng tại CBKDC như hiện nay  phù hợp và mang lại hiệu quả hơn.

Tuy vậy, cũng cần nhấn mạnh rằng, không phải chỗ nào hiệu quả hay không hiệu quả cũng giống nhau, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: Cách bố trí, phân công đảng viên tham gia sinh hoạt tại CBKDC; tinh thần, ý thức trách nhiệm của các đảng viên; đặc điểm, tình hình hoạt động của các CBKDC, cũng như sự quan tâm, tạo điều kiện của chi bộ và của chính lãnh đạo Đảng ủy, UBND cấp xã đối với mỗi đảng viên công chức… Chính vì thế, việc mỗi cấp ủy cấp xã nhận diện được đâu là những hạn chế trong tổ chức sinh hoạt đảng của đảng viên công chức cấp xã hiện nay rất cần được quan tâm.

Tình trạng hễ mưa to là ngập do đường mương thoát nước bị “thắt cổ chai” tại tổ dân phố 3, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên) đã được khắc phục từ ngày 24/10/2023, sau khi vấn đề này được phản ánh tại một số cuộc họp của Chi bộ tổ dân phố (có đảng viên công chức của phường tham gia sinh hoạt).
Tình trạng hễ mưa to là ngập do đường mương thoát nước bị “thắt cổ chai” tại tổ dân phố 3, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên) đã được khắc phục từ ngày 24/10/2023, sau khi vấn đề này được phản ánh tại một số cuộc họp của Chi bộ tổ dân phố (có đảng viên công chức của phường tham gia sinh hoạt).

Cần linh hoạt trong thực hiện

Trước hết, các đảng viên công chức cần được “rải” đều ở các CBKDC, mà không nhất thiết căn cứ theo nơi cư trú hoặc tập trung bố trí tại chi bộ có trụ sở xã, phường, thị trấn đứng chân. Không bố trí ở chi bộ không phải CBKDC như Trạm y tế mà nhiều địa phương đang làm. Việc phân công sinh hoạt cũng nên có sự luân chuyển, có thể theo nhiệm kỳ 2,5 năm của Chi bộ, hoặc hàng năm để các đảng viên nắm bắt được đặc điểm tình hình cơ sở nhiều hơn.

Đồng chí Phạm Đình Bắc, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Bản Ngoại (Đại Từ): “Đảng viên công chức cấp xã về sinh hoạt tại CBKDC không chỉ đơn thuần là chuyển về để tham gia sinh hoạt mà còn có trách nhiệm cùng với chi ủy nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của chi bộ. Bản thân tôi luôn mong muốn và cố gắng để các chi bộ do mình phụ trách cũng như trực tiếp sinh hoạt luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”...

Việc đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm cũng nên nhìn nhận từ nhiều khía cạnh, đánh giá ở chi bộ sinh hoạt chỉ là một kênh. Khi đưa bình xét lên Đảng ủy cấp xã, cần tiếp tục xem xét, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại cơ quan. Có những đảng viên được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở cơ sở nhưng khi đưa lên trên, chỉ được đánh giá hoàn thành tốt hay hoàn thành nhiệm vụ. Qua đó, đảm bảo công tác thi đua khen thưởng được đánh giá thực chất, toàn diện.

Đồng chí Phạm Duy Hùng, Bí thư Huyện ủy Đại Từ, chia sẻ thêm: Đối với huyện Đại Từ, những đồng chí là lãnh đạo, có kinh nghiệm sẽ được “ưu tiên” phân công sinh hoạt tại các chi bộ chưa mạnh, nhằm tăng sức mạnh cho chi bộ đó. Trong quá trình sinh hoạt, các đảng viên công chức đều phải có trách nhiệm thông tin về những định hướng, chủ trương chung của xã tới chi bộ.

Để làm được điều này, ban chấp hành đảng bộ các xã, thị trấn có trách nhiệm cung cấp thông tin thường xuyên đến các đảng viên về các nội dung có liên quan. Đối với việc đánh giá, nhận xét chất lượng đảng viên hàng năm, các đơn vị cấp xã thường xuyên trao đổi thông tin kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên cho chi bộ, đặc biệt là ban chi ủy. Qua đó, tạo sự công tâm trong đánh giá chất lượng đảng viên...

Đối với việc phân công giúp đỡ quần chúng là công chức xã để Đảng xem xét kết nạp, cần phân công đảng viên giúp đỡ là người cơ quan; gắn quần chúng tham gia sinh hoạt với xóm/phố nơi có trụ sở đứng chân hoặc có hoạt động đoàn thanh niên chưa mạnh (nếu trong độ tuổi Đoàn) để họ có môi trường phấn đấu, rèn luyện và được ghi nhận.

Từ thực tế đang diễn ra ở các địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, nên trao quyền tự quyết cho cấp ủy cấp tỉnh hoặc huyện trong việc lựa chọn hình thức bố trí sinh hoạt sao cho phù hợp với yêu cầu, tình hình mỗi địa phương. Bởi dù tổ chức sinh hoạt theo hình thức nào thì điều cốt yếu vẫn phải là tính hiệu quả, tăng thêm sức mạnh, sức chiến đấu cho các tổ chức cơ sở đảng.

Ngoài ra, Trung ương cũng cần sớm có hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá sau 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 38-KL/TW để kịp thời nắm bắt những thuận lợi, khó khăn và cả bất cập, từ đó đưa ra phương hướng, giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

(Hết)