Ngày 12/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Đại Từ về Thủ đô Hà Nội sau gần 9 năm xa cách.
Bác về lại Thủ đô Hà Nội nhưng hình bóng Vị Lãnh tụ kính yêu giản dị, gần gũi, thân thương nơi “Thủ đô gió ngàn” đã tạc vào lịch sử:
“Một nhà sàn đơn sơ vách nứa
Bốn bên suối chảy cá bơi vui
Đêm đêm chói hồng bên bếp lửa
Ánh đèn khuya còn sáng trên đồi
Nơi đây sống một người tóc bạc
Người không con mà có triệu con
Nhân dân ta gọi Người là Bác
Cả cuộc đời là của nước non”
(Quê hương Việt Bắc - Nguyễn Đình Thi)
Bác Hồ nói chuyện với bà con nông dân xã Hùng Sơn (Đại Từ). Ảnh: Tư liệu |
Do công việc của đất nước, chỉ 2 tháng sau đó, tháng 12 cùng năm, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với 2.000 cán bộ tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 của Đoàn Thái Nguyên và Bắc Giang.
Bác nói kỹ hơn về những khuyết điểm để giúp cán bộ cải cách sửa chữa. Bác nói: Để hội nghị tổng kết đạt kết quả cao, yêu cầu các cô, các chú phải: Thật thà, thành khẩn tự phê bình, xem lại mình có khuyết điểm gì, anh em có khuyết điểm gì? Cán bộ phải nâng cao tinh thần kỷ luật, phải giữ đúng kỷ luật. Làm gì cũng phải có tổ chức… Trong lớp này có hơn 20 tỉnh ủy viên, 136 huyện ủy viên, đây là dịp để học tập và tiến bộ thêm…
Sau hội nghị, Bác đến thăm xã Đồng Tiến (nay là tổ dân phố Yên Ninh, phường Ba Hàng, TP. Phổ Yên), bà con nông dân báo cáo với Bác về quyền lợi được hưởng sau cải cách; tỏ lòng biết ơn Đảng, biết ơn Hồ Chủ tịch luôn quan tâm đến người lao động. Người căn dặn đồng bào phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau tăng gia sản xuất…
Ngày 25/1/1955, nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Công trường sửa chữa đập Thác Huống. Sau khi chúc Tết, Người căn dặn anh em bộ đội, công nhân, cán bộ thi đua làm nhanh, làm tốt và tiết kiệm để nông dân đủ nước cấy cầy, sản xuất cao hơn, đời sống cao hơn.
Trong chuyến thăm Thái Nguyên lần này, Bác cũng dành thời gian thăm một số gia đình nông dân được nhận đất sau cải cách. Bác dặn bà con phải tích cực thâm canh trên đồng đất của mình, dặn cán bộ phải chú ý công bằng trong chỉ đạo và đóng góp của đồng bào.
Ba năm sau, ngày 2/3/1958, Bác về công tác tại Thái Nguyên, cùng đi có Bộ trưởng Thủy lợi Trần Đăng Khoa, Phó Trưởng ban liên lạc nông dân toàn quốc Nguyễn Mạnh Hồng. Tại trạm bơm Lũ Yên, xã Đào Xá (Phú Bình) vừa lắp đặt máy bơm dùng sức nước, cung cấp đủ nước cho 105 mẫu ruộng.
Trước đông đảo nhân dân, Bác nói, đại ý: Cải cách ruộng đất thì đồng bào có ruộng, có tổ đổi công, bây giờ có máy bơm thì bà con phải tích cực sản xuất để dành tiền mua máy. Có ruộng, có nước, có tổ đổi công thì làm ăn sẽ khá…
Rồi Bác đi thăm các HTX nông nghiệp ở huyện Đại Từ. Xã viên của 4 HTX nông nghiệp và đồng bào các xã Hùng Sơn, Độc Lập tập trung ở HTX nông nghiệp Cầu Thành chào đón Người. Bác nói: “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” để dạy về tinh thần đoàn kết, hợp sức trong tổ đổi công, trong HTX thì mới mong phát triển… Bà Dương Thị Bình, nguyên Trưởng ty Lao động Bắc Thái, lúc ấy là cán bộ Phụ vận có may mắn được gặp Bác trong dịp này, được Bác hỏi chuyện. Bác nhắc làm cán bộ dân vận thì phải 3 cùng với dân…
Thái Nguyên có vinh dự lớn, ngày 4/6/1959 được Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập công trường xây dựng Khu Gang thép Thái Nguyên. Chỉ 4 ngày sau (ngày 8/6/1959), Bác Hồ đến thăm Khu Gang thép lần thứ nhất.
Bác mừng vì mơ ước của Đảng, của Bác đã thành hiện thực, vì trong gần một thế kỷ “khai hóa văn minh” của thực dân Pháp cũng chưa làm ra nổi một tấc sắt, nay chúng ta đã có. Bác động viên cán bộ, công nhân là những người đi trước. Bác phân tích và giáo dục mọi người nhận rõ về tiền đồ và trách nhiệm của mình.
Ngày 13/3/1960 đi vào lịch sử của quê hương khi 4 vạn đại biểu nhân dân các dân tộc họp mít tinh đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước trao tặng cho tỉnh, Huân chương Lao động hạng Nhì tặng huyện Định Hóa. Niềm vui được nhân lên bội phần khi được đón Bác tới nói chuyện.
Cả một biển người chật cứng sân vận động Thái Nguyên nghe Vị Cha già nói chuyện, như nuốt từng lời. Bác nói: “Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái hỏi thăm đồng bào các dân tộc, công nhân, bộ đội, công an, dân quân và cán bộ, các cháu thanh niên và nhi đồng…”.
Bài nói chuyện của Bác đề cập đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, lao động của tỉnh Thái Nguyên. Bác biểu dương, động viên và phê bình như một người Thái Nguyên hiểu sâu sắc về quê hương mình. Sau mít tinh, Bác đi thăm và động viên Trường cấp 3 Lương Ngọc Quyến, Bệnh viện Khu Việt Bắc, Trường thiếu nhi vùng cao Việt Bắc, Nhà máy điện Cao Ngạn…
Ngày 31/12/1962, Bác về thăm Trường Thanh niên lao động XHCN huyện Phú Lương và đến thăm một gia đình người Dao mới định canh ở xã Phủ Lý. Người căn dặn: “Ngoài học văn hóa, các cháu cần học thêm quản lý kinh tế, học kỹ thuật nông nghiệp. Các cô giáo, thầy giáo phải chú ý đến đặc điểm của học sinh các dân tộc để giảng dạy cho tốt”…
Ngày 29/11/1963, mẻ gang đầu tiên của Khu Gang thép Thái Nguyên ra lò trong niềm vui vỡ òa của miền Bắc XHCN, Bác không về dự được. Ngày 31/12/1963 và 1/1/1964, Bác về thăm Thái Nguyên lần cuối.
(Còn nữa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin