Trong những năm qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Đại Từ luôn là một trong những đơn vị đi đầu về cải cách thủ tục hành chính và có nhiều sáng kiến trong tổ chức triển khai nhiệm vụ. Đơn vị thường được KBNN tỉnh chọn triển khai thí điểm nhiều nội dung. Có nhiều yếu tố tạo nên sự thành công này, trong đó phải kể đến sự lan tỏa sâu sắc từ Cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
100% hồ sơ, chứng từ của các đơn vị thuộc diện phải thực hiện đã được Kho bạc Nhà nước Đại Từ tiếp nhận, xử lý qua dịch vụ công trực tuyến. |
Giải pháp từ thực tế
Nghiên cứu khoa học, xây dựng các đề tài sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác, chất lượng phục vụ khách hàng đã trở thành một trong những kết quả nổi bật trong hoạt động của KBNN huyện Đại Từ những năm qua.
Chỉ tính 5 năm gần đây, đơn vị đã có tới 20 sáng kiến, riêng năm 2022 có 5 sáng kiến được cấp có thẩm quyền công nhận và cho áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian làm việc, đảm bảo an toàn tiền và tài sản của Nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Một trong những sáng kiến tiêu biểu trong năm qua của KBNN Đại Từ là “Giải pháp phối hợp, triển khai, thực hiện thí điểm thanh toán, chi trả chính sách bảo trợ xã hội (BTXH) qua dịch vụ trung gian thanh toán tại KBNN Đại Từ”. Qua đó, chế độ BTXH đã kịp thời đến được đối tượng thụ hưởng, đảm bảo chính xác, an toàn, dứt điểm; thời gian hoàn tạm ứng được rút ngắn xuống còn tối đa 5 ngày kể từ ngày đơn vị tạm ứng, thay vì 1 tháng như trước đây.
Với những hiệu quả mang lại, từ chỗ chỉ triển khai thí điểm tại xã Tiên Hội, mô hình đã được mở rộng ra toàn huyện và tại huyện Võ Nhai, TP. Phổ Yên, các địa phương khác. Tính đến cuối tháng 2-2023, toàn bộ 6.415 đối tượng BTXH trên địa bàn huyện Đại Từ đã được chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng.
Theo ông Đỗ Thái Hưng, Giám đốc KBNN Đại Từ: Sở dĩ các công chức trong đơn vị luôn tích cực nghiên cứu, xây dựng các sáng kiến, giải pháp là bởi trong quá trình làm việc, anh chị em luôn muốn tìm ra cách làm tốt nhất để cả Kho bạc, đơn vị sử dụng ngân sách và các đơn vị liên quan đạt được hiệu quả tốt nhất về mọi mặt. Đó cũng là cách mà các đảng viên, công chức trong đơn vị học và làm theo lời dạy của Bác.
Chị Trần Thu Hằng, giao dịch viên (GDV) của đơn vị, chia sẻ: Tôi được nhận vào công tác tại KBNN Đại Từ năm 2017, với nhiệm vụ kiểm soát chi. Đến tháng 6-2021, tôi được phân công làm kế toán thu. Trong quá trình thực hiện công việc mới, tôi thấy có một số câu hỏi thường được nhiều GDV các ngân hàng thương mại hỏi và người làm sau vẫn tiếp tục hỏi những câu như thế. Vì vậy, tôi nghĩ nếu có một cuốn cẩm nang hỏi - đáp thì người hỏi có thể tự tra cứu, còn tôi cũng không mất thời gian trả lời. Hơn nữa, nếu tôi có nghỉ phép thì những người làm thay cũng sẽ dễ dàng tiếp nhận. Bắt đầu triển khai từ tháng 10-2021, sau đúng 1 năm, tôi hoàn thành, được công nhận và đã vận dụng có hiệu quả vào thực tế. Đến nay, tôi vẫn tiếp tục cập nhật các quy định, số liệu mới để GDV ngân hàng dễ dàng sử dụng.
Mặc dù chỉ có 15 công chức nhưng KBNN Đại Từ vẫn thành lập được 1 đội bóng chuyền và thường xuyên luyện tập sau giờ làm việc. |
Khi mọi người cùng trách nhiệm
Cũng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, ở KBNN Đại Từ từ lâu đã hình thành quan điểm: Đã là công việc thì đều là việc chung của tập thể. Bởi, chỉ cần một bộ phận, GDV không hoàn thành nhiệm vụ cũng đồng nghĩa cả tập thể không hoàn thành.
Chính vì thế, tuy đầu công việc vẫn được giao cho từng cá nhân phụ trách và chịu trách nhiệm, nhưng trong điều hành, lãnh đạo đơn vị sẽ điều tiết, phân công hỗ trợ giữa các bộ phận, GDV khi cần, để “không có ai nhàn quá, cũng không có ai vất quá” và tất cả các khâu đều phải “trôi”, nhất là trong bối cảnh nhiều năm liền, nhân lực bị thiếu so với yêu cầu, trong khi khối lượng công việc lại tăng gấp nhiều lần và ngày càng phức tạp.
Trân trọng tình cảm, tinh thần làm việc, cũng như sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các đồng nghiệp trong đơn vị, chị Vũ Thủy Tiên, GDV KBNN Đại Từ, mộc mạc bày tỏ: Bình thường thì việc ai nấy làm, nhưng vào thời điểm cuối quý và cuối năm, một số bộ phận, GDV bị quá tải nên những bộ phận, GDV ít việc hơn sẽ được huy động để hỗ trợ…
Chị Phạm Thị Thu, kế toán xã Bản Ngoại, đánh giá: Gần 10 năm làm việc với KBNN huyện, tôi thấy các cán bộ, nhân viên ở đây đều rất tận tâm và trách nhiệm. Ngay cả lúc áp lực công việc rất lớn như khi mới triển khai thí điểm dịch vụ công trực tuyến (cuối năm 2018), các đơn vị sử dụng ngân sách vừa phải nộp hồ sơ trên máy tính, vừa phải nộp cả bản giấy, phát sinh rất nhiều vướng mắc, sai sót nên phải hỏi nhiều, vậy nhưng các anh chị vẫn nhiệt tình hướng dẫn. Điều này đã giúp tôi bớt căng thẳng và sớm thực hiện thành thạo các thao tác. Giờ thì chúng tôi mới thực sự hiểu vì sao phải chuyển đổi số.
Còn theo anh Nguyễn Đức Tùng, Kế toán Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đại Từ: Với nguồn vốn được phân bổ trung bình trên dưới 200 tỷ đồng, mỗi năm đơn vị tôi phát sinh khoảng 1.000 hồ sơ, chứng từ tại KBNN huyện. Vậy nhưng đại đa số hồ sơ của đơn vị đều được giải quyết trước hạn, không có hồ sơ quá hạn.
Chính sự nhiệt tình, trách nhiệm và tích cực đi đầu trong thực hiện các giải pháp, kỹ thuật mới nên những năm qua KBNN Đại Từ luôn là đơn vị tiên phong và được KBNN tỉnh tin tưởng giao triển khai thí điểm nhiều chương trình, đề án, như: Không giao dịch tiền mặt trực tiếp tại trụ sở KBNN (tháng 2-2021); không dùng tiền mặt trong thanh toán, chi trả kinh phí công đoàn cho các công đoàn cơ sở (quý II/2021); thanh toán, chi trả chính sách bảo trợ xã hội qua dịch vụ trung gian thanh toán, tài khoản số, tài khoản ngân hàng, tài khoản an sinh xã hội (tháng 9-2022)…
Với những kết quả trong công tác, nhiều năm liền KBNN Đại Từ vinh dự được Bộ Tài Chính tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; được Bộ Tài Chính, UBND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ tặng nhiều Bằng khen; Chi bộ được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liên tục…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin