Chuyện nghề của nữ thẩm phán công tâm, bản lĩnh

Linh Lan 10:29, 06/03/2023

Dáng người mảnh mai, khuôn mặt trái xoan, nét cười nữ tính, chuyên môn sắc sảo, đó là những ấn tượng của tôi về nữ thẩm phán Ngô Thị Thu Thuận, công tác tại Toà án nhân dân (TAND) TP. Thái Nguyên. 41 tuổi đời, 18 năm nỗ lực với nghề, chị đã minh chứng, trong ngành Tòa án, phụ nữ là những bông hồng rực rỡ, mềm mại, song bản lĩnh và trí tuệ không kém gì các đấng mày râu.

Thẩm phán Ngô Thị Thu Thuận (bên trái) làm việc với luật sư trong một vụ án dân sự.
Thẩm phán Ngô Thị Thu Thuận (bên trái) làm việc với luật sư trong một vụ án dân sự.

Chị Thuận mở đầu câu chuyện với chúng tôi: Ngay từ lúc học chuyên Văn ở trường phổ thông, tôi đã mơ ước học Luật để sau này thực thi công lý như những nhân vật nổi tiếng mình ngưỡng mộ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật năm 2005, tôi về công tác tại TAND TX. Sông Công, TAND tỉnh và từ cuối năm 2013 đến nay ở TAND TP. Thái Nguyên. Quá trình làm việc, tôi không ngừng tự học hỏi, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ từ các đồng nghiệp đi trước và đến tháng 7-2018, tôi được bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp.

Từ khi được bổ nhiệm đến nay, chị đã giải quyết trên 670 vụ án các loại, trong đó bao gồm án dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình và xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án hình sự 94 hồ sơ đủ điều kiện.

Cơ bản các vụ án đã giải quyết đều đảm bảo chất lượng, đúng người, đúng tội, thấu tình đạt lý, không có án oan sai, án huỷ, không có đơn thư khiếu nại của công dân về tư cách đạo đức, năng lực, phẩm chất hay thái độ của thẩm phán khi tiếp công dân.

Ba năm qua, chị đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp vì có thành tích xuất săc trong chuyên môn, được TAND Tối cao vinh danh là Chiến sĩ thi đua của Ngành.

Nhận xét về chị, Chánh án TAND thành phố, đồng chí Vương Hồng Giang cho biết: Đồng chí Thuận là một thẩm phán giỏi, tâm huyết, trách nhiệm trong công việc. Thời gian qua, chị cũng có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giải quyết án, được đánh giá cao và được nhiều đồng nghiệp áp dụng, như: Nâng cao chất lượng giải quyết án tranh chấp quyền sử dụng đất; án tranh chấp chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và sau khi ly hôn; án về quan hệ pháp luật “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Nói về những thành tích đã đạt được, khi trò chuyện với chúng tôi, chị Thuận khiêm tốn cho rằng đó đều nhờ sự giúp đỡ, chỉ bảo của các lãnh đạo và đồng nghiệp, những người thầy đầu tiên của chị khi mới vào nghề.  

Chị Thuận cho biết: Trung bình mỗi năm, một thẩm phán của TAND thành phố phải giải quyết hơn 100 vụ án (cao hơn 20 vụ so với quy định của TAND Tối cao). Các vụ án ngày càng có tính chất phức tạp nên không tránh khỏi áp lực khi cường độ công việc lớn. Hơn nữa, tòa án cấp huyện không có các tòa chuyên trách như cấp tỉnh, đòi hỏi mỗi thẩm phán phải xét xử tất cả các loại án, từ hình sự, dân sự, lao động, kinh tế, hôn nhân - gia đình… nên khối lượng công việc phải xử lý kèm theo áp lực về tiến độ, thời gian rất lớn. Để có thể giải quyết công việc khoa học, xét xử đúng người, đúng tội, đưa ra những phán quyết vừa thấu tình, đạt lý, hạn chế tối đa các vụ án huỷ, sửa cho nguyên nhân chủ quan, mỗi thẩm phán luôn phải thường xuyên nghiên cứu, nắm chắc các bộ luật, văn bản pháp luật, nghị quyết của các cấp…

Năm 2022, thẩm phán Ngô Thị Thu Thuận có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, được các cấp, ngành biểu dương.
Năm 2022, thẩm phán Ngô Thị Thu Thuận có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, được các cấp, ngành biểu dương.

Ngoài những áp lực trong nghề, nữ thẩm phán Ngô Thị Thu Thuận cũng chia sẻ với chúng tôi nhiều băn khoăn, trăn trở khi chị tham gia xét xử các vụ án. Mỗi vụ với những tình tiết khác nhau, đằng sau đó là biết bao câu chuyện, số phận buồn về hôn nhân, gia đình. Đó là những vụ án ly hôn, chia con giữa phiên tòa, là người phụ nữ, chị xót xa khi chứng kiến các bé phải chọn ở cùng cha hay mẹ. Hay những vụ án liên quan đến sự thiếu hiểu biết quy định pháp luật dẫn đến phạm tội, không ít bị cáo đứng trước vành móng ngựa trong lứa tuổi thanh thiếu niên chỉ bằng tuổi con, cháu chị.

- Là phụ nữ, chị đã phát huy các ưu thế để giải quyết các vụ án, nhất là khi hoà giải như thế nào?

- Một số người vẫn nói phụ nữ không hợp với nghề thẩm phán bởi nghề này đòi hỏi bản lĩnh “thép”, mà phụ nữ hay bị điều khiển bởi cảm xúc thay vì lý trí, tôi không đồng tình với quan điểm đó. Gắn bó với nghề, tôi thấy phụ nữ có lợi thế là sự mềm mại, thấu hiểu, nhạy cảm hơn nam giới. Quá trình giải quyết án, ngoài dày công nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu sự việc, tôi luôn mở lòng lắng nghe tâm tư của từng đương sự để đưa ra phương án xử lý hay lời tuyên án, phán quyết chính xác, đảm bảo thượng tôn pháp luật nhưng cũng phải đạt tình. Ngoài các vụ xét xử, tôi còn tham gia hoà giải nhiều vụ ly hôn thành công, giúp các cặp đôi tìm lại hạnh phúc gia đình.

Chị Thuận nhớ mãi vụ ly hôn chị tiếp nhận mấy năm trước. Quá trình gặp gỡ, trao đổi, chị thấy vợ chồng họ là đôi bạn có tình yêu đẹp từ hồi phổ thông, đến giờ họ vẫn còn tình cảm với nhau. Mấu chốt ở vấn đề khiến hai người muốn ly hôn là khi người chồng làm ăn thua lỗ, uống rượu, bia về nhà ghen tuông và bạo hành vợ. Còn người vợ chưa thực sự thấu hiểu và chia sẻ, động viên chồng khi công việc làm ăn thất bát dẫn tới mâu thuẫn gia đình ngày một lớn.

Vậy là chị đã kiên trì tổ chức 4 phiên hoà giải, phân tích thấu đáo cho họ hiểu, cùng nhìn nhận những mặt còn hạn chế của nhau để xây đắp tổ ấm. Sau khi hoà giải thành công, vợ chồng họ đã về chung sống hoà thuận, nay đã sinh thêm con thứ hai ngoan ngoãn, khoẻ mạnh. Thỉnh thoảng, hai vợ chồng vẫn liên lạc với chị, thể hiện niềm vui và biết ơn vì đã giúp họ hàn gắn tình cảm gia đình.

Ngoài những thành công trong nghề, trong câu chuyện với chúng tôi, chị Thuận cũng chia sẻ, với nữ thẩm phán, các chị phải đối mặt với không ít khó khăn, vất vả. Đối với mảng án dân sự chị đảm nhiệm, phần lớn các vụ việc đều có tính chất phức tạp, đủ mọi hình thức tranh chấp, nhiều khi các đương sự thể hiện thái độ thiếu tôn trọng hoặc không hợp tác, song các chị vẫn phải dung hoà để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Lựa chọn nghề vất vả dẫu nhiều áp lực, chị hiểu, thời gian mình dành cho công việc nhiều cũng đồng nghĩa rất ít thời gian dành cho gia đình. Thật hạnh phúc khi chị có “hậu phương” vững chắc, ông xã của chị đang công tác tại Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp luôn ủng hộ vợ, hai con gái, một học lớp 10, một lớp 5 đều ngoan ngoãn, học giỏi.

“Để giải toả tress trong công việc, tôi lựa chọn nấu những bữa ăn ngon cho gia đình, cùng cả nhà đi du lịch hay đơn giản là đi mua sắm, chọn một cuốn sách hay đọc cho thư thái tâm hồn. Càng ngày, tôi càng yêu nghề. Tôi luôn thầm nhủ phải cố gắng hết mình, làm việc với bản lĩnh, trí tuệ và sự công tâm, vượt qua mọi hiểm nguy, cám dỗ để góp phần giữ nghiêm công lý” - Chị Thuận chia sẻ.