Những “bóng hồng” kiên cường trên mặt trận kinh tế

Hoàng Anh 08:27, 28/02/2023

Dù không “sức dài, vai rộng” nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, họ đã vượt qua khó khăn để làm giàu. Những phụ nữ mà chúng tôi nói đến trong bài viết này chỉ là số ít trong rất nhiều “bóng hồng” kiên cường trên mặt trận kinh tế.

Năm 2004 khi mới 20 tuổi, chị Lâm Thị Thành theo chồng về xóm Hợp Thành (xã Tân Dương, Định Hóa) làm dâu. Cuộc sống vợ chồng chủ yếu bám vào vài mảnh ruộng nên kinh tế khó khăn. Chị bàn với chồng dồn vốn liếng, vay thêm tiền mua xe tải để chở hàng. Có phương tiện, nhưng để nó giúp mình kiếm ra tiền, hai vợ chồng cũng hằng ngày phải ăn, ngủ, thức cùng mỗi chuyến chở nông sản đường dài lên cửa khẩu. Vậy nhưng, thời gian ấy cũng không kéo dài được bao lâu, khi hàng nông sản của Việt Nam bị ùn ứ, không thể thông quan, việc làm ăn trở nên bế tắc, hai vợ chồng chị lại tìm kế sinh nhai khác.

Tuy kinh tế đã có phần dư dả nhưng hằng ngày, chị Lâm Thị Thành, ở xóm Hợp Thành, xã Tân Dương (Định Hóa), vẫn luôn tay với công việc. Trong ảnh: chị Thành kiểm tra độ lên men của ngô chuẩn bị nấu mẻ rượu mới.
Tuy kinh tế đã có phần dư dả nhưng hằng ngày, chị Lâm Thị Thành, ở xóm Hợp Thành, xã Tân Dương (Định Hóa), vẫn luôn tay với công việc. Trong ảnh: Chị Thành kiểm tra độ lên men của ngô chuẩn bị nấu mẻ rượu mới.

Chị Thành nhớ lại: Khi bán chiếc xe tải, tôi lỗ mất một nửa. Sau đó, hai vợ chồng đầu tư nuôi nhím, nuôi trâu thương phẩm, lợn… theo nhu cầu thị trường. Đến khi thấy không còn phù hợp lại tìm hướng khác. Mấy năm gần đây, gia đình tôi đầu tư mua 3 chiếc xe ô tô loại 16 chỗ ngồi, thuê thêm người để chạy tuyến cố định và hợp đồng. Còn tôi ở nhà tập trung “hậu cần”.

Nói vậy nhưng khi tiếp chuyện chúng tôi, chị vẫn luôn tất bật với nhiều công việc cùng lúc. Hiện, một tay chị vẫn làm đủ việc: Nấu rượu với số lượng hơn 50 lít mỗi ngày; nuôi lợn có lúc cao điểm lên tới 60 con. Ngoài ra, chị còn “thầu” 2 mẫu ruộng và 3ha rừng sản xuất. Chị Thành còn là Tổ trưởng Tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với 20 tổ viên có tổng dư nợ 1,7 tỷ đồng.

Nhìn người phụ nữ gần 40 tuổi, mảnh mai, trẻ trung, luôn tươi cười ít ai nghĩ rằng, để có cuộc sống như hiện nay, vợ chồng chị Thành đã có 20 năm vất vả với nhiều nghề mưu sinh. Điều đáng trân trọng là vợ chồng chị Thành không chỉ làm giàu cho gia đình mình mà hằng ngày, nhà xe của anh chị luôn dành suất đưa đón miễn phí cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo từ nhà đến các bệnh viện lớn ở Hà Nội và ngược lại.

Khác cách làm với chị Thành nhưng cùng nghị lực phi thường và niềm tin vào  thành quả tương lai, chị Nguyễn Thị Hà, ở xóm Quyết Tiến (xã Phú Tiến, Định Hóa) chọn “lên rừng khởi nghiệp”. Nơi chị đặt niềm hy vọng là cánh rừng gần khu vực hồ Cầm Húc - nơi người dân coi là đất “khỉ ho cò gáy”.

Chị Hà nhớ lại: 5, 6 năm về trước, khi mới bắt đầu, mỗi ngày tôi đi phát rừng, cây cỏ, gai cào vào tay, chân làm rớm máu, mà chỉ được một khoảnh nhỏ. Sau này, đường mòn lên lũng được mở rộng, việc đi lại dễ hơn nên công việc đã có máy móc hỗ trợ. Dần dần, cả một khu đồi rộng với cây ăn quả đã lên xanh.

Ngấm bao mồ hôi, công sức đổ xuống, đất đã không phụ lòng người, vườn cây của chị Nguyễn Thị Hà, ở xóm Quyết Tiến, xã Phú Tiến (Định Hóa), đã cho trái ngọt.
"Ngấm" bao mồ hôi, công sức đổ xuống, đất đã không phụ lòng người, vườn cây của chị Nguyễn Thị Hà, ở xóm Quyết Tiến, xã Phú Tiến (Định Hóa), đã cho trái ngọt.

Hiện nay, chị Hà đang sở hữu đồi cây ăn quả giá trị với 100 cây hồng xiêm, xoài Đài Loan, hơn 500 cây mít Thái, ngoài ra còn có hồng, nhãn, na mỗi loại hơn 100 gốc đều đã cho thu hoạch. Đồi cây ăn quả của chị cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Từ chỗ chị Hà, đi sang phía bên kia hồ Cầm Húc, chúng tôi gặp chị Ngô Thị Mai đang hoàn tất các công đoạn cuối cùng của mẻ thịt hun khói. Chị Mai là Giám đốc Hợp tác xã Vững Tiến, chuyên sản xuất thịt lợn hun khói, lạp sườn.

Từng theo học chuyên nghiệp và nhiều năm làm công nhân tại một khu công nghiệp lớn của tỉnh nhưng với mong muốn tự lập tự chủ và đam mê kinh doanh, chị Mai đã quyết định trở về quê hương để khởi nghiệp. Chị bắt đầu làm và bán sản phẩm thịt hun khói vào năm 2016 sau nhiều nỗ lực học hỏi, thử nghiệm cùng cả những thất bại.

Chị Mai chia sẻ: Thịt hun khói vốn là một món đặc sản vùng núi rừng Tây Bắc nhưng sản phẩm của chúng tôi có nét đặc trưng riêng. Thịt lợn được chọn từ vùng nguyên liệu sạch, tẩm gia vị đủ lâu, trong quá trình hun khói, củi lửa phải luôn đỏ rực để miếng thịt khô đều, sau đó làm chín, sấy khô và đóng gói. Thịt thành phẩm phải có màu ám khói đặc trưng, không quá khô và khi ăn đậm vị mắc khén. Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh…

Trong hành trình tác nghiệp trên vùng đất chiến khu xưa, nơi đâu chúng tôi có thể bắt gặp những người phụ nữ chịu thương chịu khó, kiên cường. Họ dù có hoàn cảnh và cách làm khác nhau nhưng đều chung ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng.