Người bí thư chi bộ trách nhiệm, vì nhân dân

Vi Vân - Ngọc Ánh 10:46, 27/06/2023

Được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác mặt trận xóm Cô Dạ, xã Bảo Lý (Phú Bình), hơn 10 năm nay, ông Nguyễn Văn Cương (sinh năm 1949) luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đi đầu trong mọi hoạt động của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Cương (bên phải) luôn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân.
Ông Nguyễn Văn Cương (bên phải) cùng người dân trong xóm kiểm tra kè chống xói lở bờ sông Cầu, đoạn qua xóm Cô Dạ khi mùa mưa bão đến.

Toàn bộ hệ thống đường giao thông trục chính của xóm Cô Dạ đã được cứng hóa, rộng từ 3,5-4m, có đoạn được mở rộng từ 6-8m; Nhà văn hóa có diện tích sử dụng 100m2, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân; kênh mương cơ bản đã được cứng hóa, phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp…

Có được kết quả trên, người dân xóm Cô Dạ không quên nhắc đến đóng góp của ông Nguyễn Văn Cương, người luôn gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để có những chỉ đạo sát thực tế.

Đưa chúng tôi đi trên tuyến đường trục chính của xóm vừa hoàn thiện vào cuối năm 2022, ông Cương chia sẻ: Từ năm 1974 đến năm 2008, tôi tham gia công tác dạy học và quản lý trong ngành Giáo dục huyện Phú Bình. Năm 2009, tôi nghỉ chế độ theo quy định của Nhà nước. Đến năm 2012, tôi được bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác mặt trận xóm. Khi đó xóm Cô Dạ còn là một xóm nghèo, chưa có 1m đường giao thông nào được đổ bê tông; chưa có nhà văn hóa xóm… Tôi nghĩ, mình cần phải làm điều gì đó để giúp xóm phát triển.

Với suy nghĩ đó, năm 2012, ngay sau khi ở cương vị Bí thư Chi bộ, việc đầu tiên ông Cương làm là tích cực tuyên truyền, vận động bà con góp công, góp của để xây dựng Nhà văn hóa xóm.

Ông cho rằng, nếu không có nhà văn hóa, không có nơi sinh hoạt cộng đồng thì việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân là điều rất khó khăn; bà con không có nơi sinh hoạt cộng đồng thì sẽ khó gắn kết tình làng nghĩa xóm…

Chính vì lẽ đó, ông Cương đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tuyên truyền đến hơn 200 hộ dân, vận động đóng góp 500 nghìn đồng/hộ để xây dựng Nhà văn hóa xóm. Với sự nhiệt tình của ông Cương, Nhà văn hóa xóm có diện tích sử dụng 100m2, trị giá khoảng 300 triệu đồng đã hoàn thiện, thỏa lòng mong mỏi của người dân Cô Dạ bấy lâu.

Khi đã có Nhà văn hóa, ông Cương lại tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân cùng đối ứng với Nhà nước, hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Ông nhẩm tính và phân tích: Xóm Cô Dạ có tổng số 6km đường giao thông trục chính. Từ năm 2013 đến nay, người dân trong xóm đã hiến khoảng trên 10.000m2 đất để cứng hóa, mở rộng các tuyến đường. Đây là việc làm không hề dễ bởi những năm trước, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Vì thế, tôi đã vận động bà con làm dần dần, từng tuyến một. Đơn cử như năm 2013, chúng tôi vận động bà con đóng góp 350 nghìn đồng/khẩu để xóm cứng hóa 1.200m đường, có chiều rộng 3m. Đến năm 2022 tiếp tục vận động người dân hiến đất để làm tuyến đường có chiều dài trên 1.000m, rộng từ 6-8m…

Chia sẻ về “bí quyết” để người dân đồng thuận, ủng hộ, ông Cương tiết lộ: Trong công tác tuyên truyền, vận động, bên cạnh việc phổ biến các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước tại Nhà văn hóa, tôi cùng với Trưởng xóm, trưởng các đoàn thể trực tiếp vào từng hộ dân vận động. Đa phần các hộ đều đồng tình với chủ trương chung; còn một số hộ chưa nghe ra, cho rằng việc làm đường, Nhà nước có phương án bồi thường, hỗ trợ. Tôi đã giải thích rõ để họ hiểu, việc làm và mở rộng đường, người được hưởng lợi chính là bà con; những tuyến đường này, Nhà nước không có phương án đền bù hay hỗ trợ… Riêng gia đình tôi, cuối năm 2022, khi huyện làm tuyến đường hơn 2km qua xóm, tôi đã hiến gần 700m2, tháo dỡ 40m2 chuồng chăn nuôi và 40m tường rào để đơn vị thi công đảm bảo tiến độ.

Không chỉ tuyên truyền, vận động người dân làm Nhà văn hóa, đường giao thông, ông Cương còn luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân trong xóm để có phương án giải quyết kịp thời.

Xóm Cô Dạ nằm dọc bờ sông Cầu. Hàng năm, vào mùa mưa, nước dâng cao gây sạt, xói lở bờ sông, ảnh hưởng đến việc đi lại và sản xuất của bà con. Qua tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh, huyện, ông Cương đã đại diện cho cử tri xóm Cô Dạ nêu lên ý kiến, nguyện vọng của bà con về xây dựng kè chống xói lở bờ sông Cầu.

Năm 2021-2022, mong muốn của người dân trở thành hiện thực khi Nhà nước đầu tư xây dựng kè chống xói lở bờ sông Cầu, đoạn qua Cô Dạ với chiều dài trên 600m.

Ông Dương Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Bảo Lý, đánh giá: Mặc dù đã hơn 70 tuổi nhưng ông Cương vẫn luôn nhiệt tình, trách nhiệm với các công việc chung của xóm. Vừa qua, ông và gia đình vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới.