Tại Đảng bộ huyện Phú Lương, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Qua phong trào này xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay ở các đơn vị, địa phương và nhiều tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Nhiều tuyến đường bê tông ở xã Cổ Lũng được xây dựng mới nhờ sự chung sức đồng lòng của người dân. |
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương ở huyện Phú Lương đã có cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Có thể kể tới xã Phủ Lý, một xã nghèo có nhiều nỗ lực, bứt phá để đạt chuẩn NTM năm 2022. Khi bắt tay xây dựng NTM năm 2011, xã chỉ đạt 2/19 tiêu chí, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, kinh tế đa phần phụ thuộc vào nông nghiệp. Qua hơn 10 năm xây dựng NTM, xã đã có những bước phát triển vượt bậc.
Hiện, 100% tuyến đường, từ đường trục xã đến liên xóm ở Phủ Lý đã được bê tông hóa, các công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 40 triệu đồng/người/năm (tăng trên 30 triệu đồng so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo còn 7,2% (giảm gần 36% so với năm 2011). Đáng chú ý là địa phương có 85% số dân là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng giai đoạn 2012-2022, khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, người dân đã tự nguyện hiến gần 52 nghìn m2 đất, đóng góp trên 2,7 tỷ đồng, hơn 4.000 ngày công lao động.
Đồng chí Nguyễn Văn Thân, Bí thư Đảng uỷ xã Phủ Lý, cho biết: Chúng tôi xác định phải phát huy được sức mạnh đoàn kết, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên. Như khi triển khai phong trào xây dựng NTM, xã xây dựng nghị quyết sát thực tế, hợp lòng dân, các cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước để quần chúng noi theo. Nhờ đó, xã đã huy động được nhiều nguồn lực, nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân.
Không riêng Phủ Lý, tại các địa phương khác, việc học và làm theo Bác gắn với phong trào xây dựng NTM đã được triển khai hiệu quả. Tiêu biểu là tập thể nhân dân và cán bộ xóm Khe Cốc, xã Tức Tranh. Xóm Khe Cốc có 143 hộ với hơn 500 nhân khẩu. Học và theo Bác ở xóm thời gian qua được cụ thể hoá thành nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển mô hình sản xuất chè hữu cơ với diện tích 20ha, xây dựng Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc có 5 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người của xóm hiện đạt trên 70 triệu đồng/người/năm, không còn hộ nghèo. Nhận thức được xây dựng NTM nhân dân là chủ thể, trực tiếp tham gia và hưởng lợi, người dân đã tích cực ủng hộ xây dựng hạ tầng nông thôn.
Thống kê của xóm, trong tổng kinh phí thực hiện 8,6 tỷ đồng xây dựng NTM, số tiền nhân dân đóng góp là trên 4,3 tỷ đồng. Người dân cũng tự nguyện hiến 5.300m2 đất, đóng góp hàng trăm ngày công lao động để xây dựng và mở rộng đường giao thông, làm nhà văn hoá. Với những kết quả đạt được, vừa qua Khe Cốc được đón nhận “Xóm NTM kiểu mẫu” năm 2023 và là xóm NTM thông minh đầu tiên của huyện.
Bên cạnh những mô hình mới, cách làm hay của các tập thể, trong phong trào học và làm theo Bác ở Phú Lương cũng xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực. Trong “vườn hoa” người tốt, việc tốt của huyện có thể kể đến tấm gương anh Nguyễn Văn Vương có hành động dũng cảm cứu 3 em học sinh bị đuối nước tại xã Yên Trạch; ông Nguyễn Văn Tháng, xóm Na Pặng, xã Ôn Lương, hiến tặng 700m2 đất rừng và tài sản trên đất trị giá trên 20 triệu đồng xây dựng công trình hồ Tuông Lậc; anh Trần Hữu Tân ở thị trấn Đu ba năm qua bất kể nắng hay mưa đều tình nguyện dắt các học sinh của Trường Tiểu học và THCS thị trấn Đu qua đường an toàn…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin