Trên địa bàn TP. Thái Nguyên hiện có nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mô hình Phụ nữ Công giáo Hồng Thái 2 (xã Tân Cương) giúp nhau phát triển kinh tế là một điển hình.
Phụ nữ xóm Hồng Thái 2 đổi công hái chè cho gia đình chị Trần Thị Chiên. |
Chi hội Phụ nữ Hồng Thái 2 hiện có 98 hội viên, trong đó có 70% hội viên là đồng bào Công giáo. Thu nhập chính của người dân đây phụ thuộc vào cây chè. Do vậy, chị em xác định muốn phát triển kinh tế cần phải phát huy lợi thế của địa phương, tập trung vào cây chè; cùng nhau học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, chế biến chè.
Năm 2017, mô hình “Phụ nữ Công giáo Hồng Thái 2 giúp nhau phát triển kinh tế” được triển khai. Lúc đầu, mô hình chỉ có 25 thành viên, nay tăng lên 70 hội viên.
Chị Tạ Thị Hoàn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Hồng Thái 2, cho biết: Khi mới thành lập, các chị em tham gia mô hình đều tổ chức họp từ 1-2 lần/tháng. Mục đích là để nắm bắt cuộc sống của từng hội viên, từ đó có những cách giúp đỡ cụ thể, như: Cho vay vốn từ nguồn quỹ của Chi hội từ 5 đến 45 triệu đồng; hỗ trợ ngày công lao động; thăm hỏi, động viên nhau khi ốm đau, bệnh tật; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc chè nhằm nâng cao giá trị sản phẩm... Qua đây, các chị em cũng được phổ biến, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Điều đặc biệt khi tham gia mô hình, các chị em hái chè đổi công cho nhau, không phải thuê nhân công bên ngoài, góp phần giảm chi phí, tăng thêm thu nhập. Hội viên Trần Thị Chiên cho biết: Gia đình tôi có khoảng 6-7 sào chè. Nếu thuê người hái sẽ phải chi trả công lao động khá cao, khoảng 3 triệu đồng/lứa. Không những thuê công lao động cao, kỹ thuật hái không đạt chuẩn mà việc tìm người hái chè thuê cũng không dễ, ảnh hưởng đến lứa chè. Chính vì vậy, các chị em hái đổi công cho nhau.
Ngoài việc hỗ trợ nhau thu hái, các chị em ở Hồng Thái 2 còn trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Hiện nay, hầu hết diện tích chè của hội viên được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, 60% hộ sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, giá bán sản phẩm chè của các hội viên phụ nữ Hồng Thái 2 ngày càng cao, bình quân từ 400-500 nghìn đồng/kg, có nhiều hộ bán với giá từ 2-5 triệu đồng/kg.
Chị Đinh Thị Trà Ly, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Thái Nguyên, cho biết: Phụ nữ Công giáo Hồng Thái 2 giúp nhau phát triển kinh tế là 1 trong những mô hình tiêu biểu trong hơn 200 mô hình học tập và làm theo Bác của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Thái Nguyên. Tham gia mô hình này, các chị em không chỉ trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu chính đáng mà họ còn phát huy được tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin