Trong khoảng thời gian từ năm 1947 đến 1951, một chi nhánh của Nhà máy Gấy Hoàng Văn Thụ đã được chuyển về xóm Pải, xã Phượng Tiến (Định Hóa). Đây là một trong những nơi sản xuất giấy in bạc và in bạc (tiền) đầu tiên của nước ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ tiền thân là Nhà máy Giấy Đáp Cầu (thuộc Pháp) được xây dựng từ năm 1913 tại Bắc Ninh. Tháng 8-1945, nhân dân Bắc Ninh khởi nghĩa thắng lợi, chủ Pháp buộc phải giao lại Nhà máy cho chính quyền cách mạng. Đến năm 1947, Nhà máy được lệnh vận chuyển hàng nghìn tấn máy móc, thiết bị vượt quãng đường 200km lên sơ tán tại Phượng Tiến. Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ khi ấy có 6 chi nhánh được sơ tán ở các tỉnh miền Bắc (với các tên: Toàn Dân, Việt Nam, Cộng Hòa, Độc Lập, Tự Do và Hạnh Phúc), Chi nhánh ở xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa có tên là Việt Nam.
Tháng 8-1947, Nhà máy cho ra sản phẩm giấy đầu tiên ở ATK Định Hóa để phục vụ cho các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội và các cơ sở in ấn văn hoá phẩm, báo chí. Đồng thời được Trung ương Đảng cho phép được mang tên người lãnh tụ cách mạng Hoàng Văn Thụ. Tháng 1-1948, lần đầu tiên Nhà máy được giao nhiệm vụ sản xuất giấy in tiền cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nhân sự kiện này, có Tổng Bí thư Trường Chinh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm. Ông Phùng Văn Thông, sinh năm 1931, ở Làng Bảy, xã Tân Dương (Định Hóa) - nguyên là công nhân tại Nhà máy cho biết: Ngoài sản xuất giấy và giấy in bạc, tại xưởng đã in thử thành công tờ tiền mẫu, với chỉ có một mặt. Ông Thông là người được giao nhiệm vụ phơi và cất tờ tiền vào kho ở Hang Hùm, xã Phượng Tiến.
Ông Mai Thanh Hải, nhà ở xóm Pải, xã Phượng Tiến – người được thuê trông coi điểm di tích Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ cho biết: Xưởng sản xuất của Nhà máy được xây dựng dọc trục đường mòn từ đầu xóm Pải đến tận gần trụ sở UBND xã bây giờ. Sau khi Nhà máy chuyển về xây dựng trụ sở tại Quan Triều (T.P Thái Nguyên), toàn bộ nhà xưởng được bàn giao lại cho địa phương. Ông Hải cho biết: Khu xưởng một số được sửa chữa lại để là nhà tập thể. Một số được phá để lấy gạch để xây dựng trụ sở, sân kho của hợp tác xã nông nghiệp của xã.
Hiện nay, vị trí nơi sơ tán của Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ tại xã Phượng Tiến đã được xây dựng bia di tích. Khu vực chân núi Nản, thuộc xóm Pải vẫn còn hầm, nền và bậc xây bằng gạch của nhà xưởng khi trước