Tôi sinh ra và lớn lên ở thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) nên từ nhỏ đã được mẹ cho đi cùng lên đền Quan nằm ở lưng chừng núi Đá Xô thuộc phố Giang Trung. Ngày đó, ngôi đền còn rất nhỏ. Năm 2013, ngôi đền được tôn tạo, trùng tu, mở rộng và đến năm 2015 được công nhận di tích cấp tỉnh.
Vãn cảnh đền vào một ngày đầu tháng 5, những ký ức về ngôi đền nhỏ ngày xưa lại ùa về trong tôi. Ngày ấy, ngôi đền được xây dựng dạng một gian kiểu mái cuốn vòm, chỉ rộng khoảng 12m2. Cửa đền đắp mặt rồng theo tư thế hướng ra, hậu cung vẽ hình rồng chầu mặt nguyệt, ban thờ chia làm 3 cấp, cấp cao nhất phía trong sát tường hậu cung là nơi thờ danh tướng Dương Tự Minh. Sân đền có diện tích khoảng 15m2, giáp sân có ban thờ thánh. Trước đền có cây đa to lớn tỏa bóng che mát cho toàn bộ ngôi đền và sân vườn. Các cụ bô lão nơi đây kể lại, ngôi đền được nhân dân địa phương đóng góp xây dựng lại từ năm 1939, trên nền ngôi đền cũ đã bị mục nát do thời gian. Các cụ cao tuổi cũng không biết ngôi đền có từ bao giờ.
Ngày nay, ngôi đền đã được mở rộng, trùng tu, tôn tạo khang trang hơn. Ngôi đền cũ được giữ làm hậu cung, phía trước xây dựng nhà tiền tế bằng gạch vữa, kiểu tường hồi bít đốc, tường để mộc, mái lợp ngói đỏ chia làm 3 gian. Hiện nay, toàn bộ diện tích khuôn viên đền Quan rộng khoảng 1.500m2, trong đó nhà tiền tế rộng 60m2, hậu cung 15m2, sân, hè rộng khoảng 40m2.
Người dân địa phương chuẩn bị đồ lễ ở đền Quan.
Nhẩn nha câu chuyện dưới gốc đa, ông Trần Duy Cương, Trưởng Ban quản lý đền Quan chia sẻ: Tôi được nghe các cụ kể lại, đền Quan gắn với danh tướng Dương Tự Minh. Người dân địa phương vẫn truyền tai nhau câu chuyện, ngày xưa danh tướng Dương Tự Minh cùng quân lính khi đi qua sông Giang Tiên thường dừng lại nơi bến nước, người, ngựa uống nước, tắm dưới sông, còn tướng Dương Tự Minh lên núi Đá Xô đánh cờ, trên núi tương truyền có bàn cờ tiên. Dưới chân núi Đá Xô có cánh đồng Đấu Đong. Người xưa truyền lại cánh đồng là địa điểm danh tướng Dương Tự Minh luyện quân. Ông cho đào các hố to, hố bé trên cánh đồng, cho quân lính nhảy vào hố để tính quân và tên Đấu Đong xuất phát từ đó. Câu chuyện chỉ là truyền miệng, nhưng thực tế chứng minh tại cánh đồng Đấu Đong, người dân đào được rất nhiều vại, bát sành cổ xếp thành chồng. Các cụ vẫn bảo bát đó để quân lính ăn cơm.
Trời ngập nắng. Ngôi đền Quan nằm uy nghi nơi lưng chừng đồi dưới tán cây đa rợp bóng. Trong không gian tĩnh lặng đó, từng đoàn người dân địa phương và du khách thập phương đến dâng hương, cầu khấn cho sức khỏe dồi dào, cuộc sống bình yên, no ấm.