TNĐT - Thành phố Thái Nguyên ngày nay, thị xã Thái Nguyên xưa, đã chứng kiến biết bao biến cố, mặc cho sự nghiệt ngã của thiên tai, địch họa nhưng trên mảnh đất thân yêu này trong các di tích lịch sử văn hoá vẫn còn lưu giữ những tài liệu, hiện vật có giá trị bổ sung vào mảng tư liệu lịch sử và văn hoá của thành phố Thái Nguyên.
1. Bia và chuông Đền và Chùa Đồng Mỗ thuộc xóm Soi, phường Túc Duyên. Hiện ở chùa còn lưu giữ 2 tấm bia cổ, 1 có kích thước 80 x 55cm có tên Kỷ niệm bi ký (bài ký kỷ niệm ghi nhớ), chữ khắc to, rõ nét. Toàn văn có 11 hàng chữ Hán, tổng cộng 500 chữ. Bia dựng năm 1940, nội dung ghi bài ký việc công đức dựng đình Thái Hoà, lời văn hay, trong sáng ca ngợi thuần phong, mỹ tục của nhân dân địa phương. 1 bia khác có kích thước 75 x 50cm có tên Tứ phủ vạn linh, nội dung ghi việc công đức vào đền của một số gia đình ở xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ, bia cũng được dựng vào năm 1940. Trước đây, chùa có 1 quả chuông cổ loại lớn được đúc vào thời Minh Mệnh thứ 12 (1833) sau bị thất lạc, nay mới tìm thấy tại chùa Xa La, thành phố Hà Đông. Chuông của đền nhỏ hơn được đúc năm Khải Định thứ 2 (1917) có bài thơ hay: Nhân chi vi thiện sự / Thiện sự nghĩa đương vi / Kim thạch do năng động / Quỷ thần kỳ khả khi (Người ta làm việc thiện / Việc thiện nghĩa diễn ra / Vàng đá còn năng động / Quỷ thần cũng năng động). Bài thơ của Thiền tăng, tên tự là Thanh Lên, chức Thái lão đàn na, trụ trì chùa lúc bấy giờ soạn. Lễ của chùa vào ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng.
Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở thành phố Thái Nguyên được nhân dân lưu truyền qua câu phương ngôn: “Khi Mỏ Bạch khi Xương Rồng, khi Phù Liễn tự, khi Đồng Mỗ am”. Đền và chùa có từ đầu thế kỷ XIX thời nhà Nguyễn, tuy nhiên đã được phục hồi, tôn tạo nhiều lần nhưng còn lưu giữ một số hiện vật quý.
2. Bia đá Đình Hàng Phố. Đình Hàng Phố xưa là một ngôi đình cổ của nhân dân Hàng Phố thị xã Thái Nguyên. Hiện đình chỉ còn địa điểm, khu vực đình còn 2 cây dạ hương lớn thuộc cơ quan Tỉnh Đoàn ngày nay. Di vật còn lại của đình là 2 tấm bia đá lớn đều có nhan đề là Kỷ niệm bi ký (bài ký kỷ niệm ghi nhớ) đã được chuyển về lưu giữ tại Bảo tàng Thái Nguyên. Văn bia này được dựng dưới thời Bảo Đại (1940), do Tiến sỹ Nguyễn Đình Tuân, người làng Sổ (Nghè Sổ) thuộc xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang ngày nay soạn, lúc đó ông đang làm quan Án sát, kiêm Tuần phủ tỉnh Thái Nguyên. Nội dung văn bia ghi việc công đức của các hộ dân địa phương dựng đình Hàng Phố. Đình Hàng Phố là nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp đặt Sở chỉ huy của lực lượng quân Giải phóng để cùng nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền và là điểm tập kết để quân Giải phóng tiến về Hà Nội.
3. Chuông Chùa Phúc Xuân. Chùa xây dựng thời điểm nào chưa rõ. Hiện nay chùa xây dựng trên đồi cao sát ngay chợ xã Phúc Xuân. Chùa có quy mô tầm trung, có vãi trông coi. Trong chùa có nhiều tượng Phật, đáng chú ý có quả chuông khá to bằng đồng trên có khắc bài ký. Toàn bộ nội dung bài minh chuông nói về việc công đức của nhân dân (trong đó có họ Đỗ ở huyện Kiến Xương, phủ Thái Ninh - thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay). Chuông đúc thời Tây Sơn niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 9 (1801), sau được đúc lại vào năm Thành Thái thứ 7 (1905).
4. Bia và sắc phong Đền Túc Duyên. Đền nằm ở khu dân cư thuộc tổ 14, phường Gia Sàng. Đền có từ xa xưa, thời nhà Lê đã có sắc phong. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp bị tiêu thổ. Gần đây được xây dựng lại. Đền thờ Công chúa Thiều Dung, vợ của thủ lĩnh Dương Tự Minh. Tại đền còn lưu giữ được một số hiện vật quý như: 1 bia đá mang tên Túc Duyên điện hậu bi (bài ký ghi việc mua hậu điền Túc Duyên) dựng năm Bảo Đại thứ 18 (1943) nội dung ca ngợi cảnh đẹp của di tích và công đức của các chức sắc ở địa phương lúc bấy giờ và 2 sắc phong cho Công chúa Thiều Dung, 1 sắc của nhà Lê niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670), 1 sắc của nhà Nguyễn, niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924). Trước cửa đền hiện còn một cây đa cổ thụ tạo nên cảnh đẹp của di tích. Lễ chính của đền vào 18 tháng 8 âm lịch: Lễ thánh Mẫu bản đền.
5. Sắc phong Đền Ao Sen. Đền có từ lâu đời, hiện thuộc tổ 13, phường Thịnh Đán. Đền có kiến trúc nhỏ, gọn, trước đền có ao rộng. Trong đền có một số đồ thờ, trong đó có 2 sắc phong thời Khải Định năm thứ 2 (1917) và thứ 9 (1924) phong cho Cao Sơn Quý Minh (Dương Tự Minh).
6. Bảo tháp Chùa Phù Liễn - xây dựng thời Nguyễn - mộ của 2 nhà sư đã từng tu ở chùa Phù Liễn nằm ở quả đồi cao ráo thuộc phường Hoàng Văn Thụ. Chùa được xây dựng đầu thế kỷ XX ở địa thế đẹp phong cảnh u tịch, thanh nhã. Chùa có kiến trúc - nghệ thuật quy mô khá lớn, là trung tâm trị sự của Hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên. Chùa thờ Phật. Trong chùa có nhiều tượng Phật có giá trị nghệ thuật và câu đối ca ngợi cảnh đẹp của di tích. Đền Phù Liễn cũng được xây dựng cùng với chùa. Lễ hội chùa Phù Liễn diễn ra vào ngày 12 đến rằm tháng Giêng hàng năm.
7. Câu đối Đền Xương Rồng - phường Phan Đình Phùng. Đền được tôn tạo năm 1944, là một trong những nơi thờ Dương Tự Minh, người đã có công lao dẹp giặc Tống giữ yên biên cương phía bắc nước Đại Việt ở thế kỷ XII, ông được vua nhà Lý gả 2 công chúa là Diên Bình và Thiều Dung. Ngoài ra đền thờ Mẫu, thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo. Trong khu vực đền còn một số cây cổ thụ đẹp, đền có nhiều câu đối, đồ thờ có giá trị lịch sử và nghệ thuật. Lễ hội của đền vào 20/8 hàng năm.
8. Hòn Non bộ Chùa Ông (Hồng Long tự), phường Phan Đình Phùng. Chùa nằm đối diện với đền Xương Rồng. Chùa do ông Bùi Đình Thuật người tỉnh Thái Bình lên cắm hướng kết hợp với công đức của nhân dân địa phương hoàn thành vào năm 1905. Chùa nay đã được phục hồi, tôn tạo vào những năm gần đây. Năm 1917, chùa là nơi tập kết nghĩa quân của ông Đội Cấn. Chùa gồm có công trình gồm chùa và đền. Chùa thờ Phật, đền thờ Dương Tự Minh, Trần Hưng Đạo, Tam Thanh và thờ Mẫu. Hiện trước cửa chùa có hòn Non bộ đẹp, cổ kính được bảo tồn từ khi có chùa đến nay (trên 100 năm) Lễ hội của chùa vào ngày 24/2 âm lịch giỗ tổ chùa.
9. Rùa đá Chùa Quang Vinh. Chùa nằm ở phía bắc Nhà máy điện thuộc phường Quang Vinh. Chùa có từ xưa, bị phá thời kỳ xây dựng Nhà máy điện (1960). Xưa là nơi thờ Phật. Hiện trên địa điểm nền chùa còn con rùa đá nặng hàng tấn, trên lưng rùa có mộng để lắp bia đá, bia hiện không còn.