Trên đất Thái Nguyên về phía Tây có một con sông từng âm thầm góp cho đời nhiều sự tích, những chiến công oai hùng và cũng là nơi sản sinh ra nhiều danh nhân kiệt xuất, đó là sông Công.
Sông Công còn có tên là sông Mão, sông Giã, bắt nguồn từ núi rừng Định Hóa, lượn sát vùng đất núi Hồng - Yên Lãng, xuôi dọc thung lũng Đại Từ, qua phía Tây T.P Thái Nguyên, lao xuống cắt ngang vùng đất Sông Công, Phổ Yên. Sông lượn qua chân núi Kim Ngưu (núi Mỏ) chảy sát chân núi Sáo (nay thuộc Thuận Thành, Phổ Yên), vặn mình thành vực lớn chảy về phía đông, hòa vào sông Cầu, xuôi về Phả Lại.
Dòng sông Công không chỉ bồi đắp phù sa cho những vùng đất nó chảy qua mà còn là nhân chứng của nhiều sự kiện lịch sử trên đất Thái Nguyên. Năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745), đời Lê Hiển Tông, triều đình cử tướng Văn Đình Úc giữ chức Lưu chủ đem quân đánh đuổi nhà Mạc ở Thái Nguyên. Khi đến sông Giã gặp cánh quân khác của tướng Hoàng Ngũ Phúc, hai tướng hội quân tại đây rồi kéo quân ngược sông Cầu sau đó chia làm hai mũi tấn công quân Mạc. Trận này, quân nhà Mạc thua to phải bỏ đất Thái Nguyên chạy về phía Bắc.
Năm cảnh Hưng thứ 28 (1767) triều đình cử Huấn phục hầu Nguyễn Đình Huấn và Đốc đồng Ngô Thì Sĩ đi xem xét kiểm tra việc khai thác bừa bãi ở mỏ Tống Tĩnh thuộc châu Bạch Thông, trấn Thái Nguyên. Khi đoàn đến trấn lỵ thuộc sông Giã thì nhận được tin Minh Vương Trịnh Doanh chết, đoàn dừng lại ở đó rồi hoãn chuyến đi, quay lại kinh thành. Về sau, nơi trấn lỵ thuộc sông Giã còn là trụ sở của trấn Thái Nguyên đến năm 1813 trước khi rời lên đất Đồng Mỗ và là phủ lỵ của phủ Đa Phúc, huyện lỵ huyện Đa Phúc thời thuộc Pháp (1907).
Dọc thung lũng sông Giã đã sản sinh cho đất Thái Nguyên 3 vị tướng tài: Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống và 3 nhà đại Khoa tiến sĩ: Đỗ cận, Đàm Sâm, Đồng Doãn Giai