Cũng giống như nhiều dân tộc thiểu số khác, người Dao có những cái tết khá đặc biệt mang đậm nét văn hóa truyền thống. Một trong những cái tết độc đáo là Tết Nhảy.
Người Dao ở Thái Nguyên từ xưa tổ chức Tết Nhảy vào vào dịp mùng một hoặc mùng hai Tết theo lịch âm ở trước bàn thờ nhà ông trưởng họ. Tục này được thực hiện theo chu kỳ ba năm: Càng nhỏ vào năm thứ nhất, thứ hai, càng lớn vào năm thứ ba.
Mục đích chính của nghi lễ này là để cầu cúng tổ tiên, cầu khấn tổ tiên phù hộ sang năm mới mọi người trong gia tộc, dòng họ được mạnh khoẻ, mưa thuận gió hoà cho mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm phát triển không bị dịch bệnh…
Đây là nghi lễ của một dòng họ tổ chức để cúng tổ tiên dòng họ mình, tất cả mọi công việc được tiến hành tại nhà của ông trưởng họ, nơi có để bàn thờ tổ tiên của cả họ. Nếu vì lý do nào đấy mà không tổ chức được ở nhà ông trưởng họ, thì mọi người trong dòng họ sẽ họp bàn và chọn trong dòng họ một người có uy tín và hiểu biết, để đứng ra lo công việc này. Trong việc tổ chức lễ Tết nhảy, nếu dòng họ nào làm, thì phải tổ chức nghi lễ trong ba năm liên tục, và ở trong một bản khi có một dòng họ tổ chức lễ tết nhảy thì các họ khác đều không được làm, dòng họ nào có nhu cầu tổ chức nghi lễ này phải đợi sau ba năm mới được làm.
Một tốp nam thanh niên “sài cỏ” theo sự hướng dẫn của thầy cả “chái peng pi” tổ chức nhảy 14 điệu diễn mở đường bắc cầu đưa đón tổ tiên, thần linh về dự tết. Các nam thanh niên sẽ diễn tả hình ảnh mở đường bằng những điệu nhảy. Sau khi đường đã được mở là lúc tổ tiên về. Điệu chào bố mẹ, tổ tiên đã khuất là nhảy một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ dơ cao; điệu nhảy cưỡi ngựa diễn tả việc tổ tiên cưỡi ngựa về ăn tết; điệu nhảy múa mời tiên nương, tiểu nữ giáng trần được diễn tả bằng điệu múa cưỡi “pe họ” mô phỏng các tiên nương cưỡi hạc bay về; điệu múa mời tổ sư thầy cả về dự tết diễn tả kiểu đi của hổ “mùng hú”… Mỗi điệu nhảy, múa đều có tính hình tượng cao diễn tả cảnh các thiên thần tổ tiên về hạ giới dự tết với con cháu.
Kết thúc các điệu nhảy mở đường, đón chào tổ tiên, thần linh, cả dòng họ làm lễ rước tượng tổ tiên. Tượng tổ tiên cũng là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo của người Dao. Tượng được trạm khắc đẹp với trang phục thời cổ xưa, dài từ 20-25 cm, đường kính thân 5cm, bàn tay phải của các tượng đều cầm thẻ bài. Ngày thường tượng được bọc kín bằng vải trắng. Ngày tết được con cháu rước xuống làm lễ tắm gội, thay khăn choàng mới. Nước tắm là thứ nước thơm chế từ vỏ loại cây “sum mụ”.
Sau lễ tắm gội cho tượng, con cháu lại tổ chức các điệu nhảy, dâng gà. Thầy cả và ba thanh niên tay cầm gà trống đỏ, vàng nhảy theo nhiều động tác dâng gà: có động tác rước gà trên đầu, có động tác “vác” gà qua hai vai, có động tác vừa múa vừa vặt đầu gà… Khi cúng tổ tiên xong thì con cháu phải tắm rửa cho sạch mình để cùng tổ tiên ăn tết. Màn tắm than chính là một điểm nhấn độc đáo. Con cháu nhảy múa quanh đống lửa và sau đó sẽ dùng tay hất tung than, gio trong đống lửa lên người. Có nơi là tắm nước nóng, thay bằng than, đồng bào sẽ dội nước khoảng 60- 70 độ lên người. Kết thúc là điệu múa cờ.
Tết Nhảy là một nghệ thuật tổng hợp các loại hình nghệ thuật dân gian: nghệ thuật nhảy múa, nghệ thuật âm nhạc và nghệ thuật ngôn từ, kể về công lao tổ tiên đến nghệ thuật tạo hình với các loại tranh thờ, tranh cắt giấy, điêu khắc tượng gỗ…