Xưa kia, người Hmông không ở nhà sàn, mà ở nhà đất. Nhà chỉ có 2 mái, đầu hồi thẳng lên nóc, không có chái. Mái nhà lợp bằng lá, tranh. Mép mái dưới thường thấp, cách mặt đất khoảng 1,6-1,8m. Vách trước, vách sau và 2 đầu hồi hoặc được ken bằng thân cây nhỏ, bằng ván hay trát bằng bùn rơm. Có 2 cửa ra vào, một cửa chính ở gian giữa, một cửa phụ nằm lệch một bên đầu hồi phải làm nơi phụ nữ ra, vào nấu ăn và chăn nuôi, không có cửa sổ 4 phía như nhà sàn của các dân tộc cận cư.
Các gian trong nhà thông nhau, mỗi gian dành cho những chức năng khác nhau. Tính từ phía trước, gian đầu hồi phải có cửa phụ nằm lệch phía trước nhà, là nơi đặt bếp nấu ăn, bếp nấu cám, nước, cối xay ngô; sát vách ngoài là giường ngủ của vợ chồng chủ nhà. Gian giữa có cửa ra, vào, chủ yếu dành cho thờ cúng; sát vách sau có gài ống nứa để cắm hương thờ tổ tiên; bên ngoài là bàn ghế ăn cơm, tiếp khách. Gian bên trái là nơi ngủ của con cái và khách, trong đó, nếu con trai lấy vợ chưa có điều kiện tách hộ thì cho ở trong phòng nhỏ ngăn bằng liếp tre. Giường của người Hmông khá tạm bợ, là những tấm liếp tre, đặt trên bốn cọc tại các góc gian của nhà.
Nhiều nơi, nhà sàn vẫn khá phổ biến với người Hmông.
Ngày nay ở Thái Nguyên, nhà ở của người Hmông đã thay đổi. Tuy vẫn là nhà đất nhưng phổ biến là nhà nền ximăng, bốn gian, bốn mái, trong đó 2 mái sau và 2 mái chái 2 đầu. Kết cấu bộ vì kèo theo kiểu của người Kinh, trốn cộc giữa và có bộ con chồng trên quá giang. Nhà do thợ người Kinh làm. Trong 4 gian, 1 gian đầu hồi được ngăn thành buồng làm bếp, có 2 cửa, một cửa thông ra đầu hồi, một cửa thông ra các gian ngoài. Ba gian còn lại thông nhau, trong đó, gian giữa có tủ thờ sát vách sau, tiếp đó là bàn ghế ngồi uống nước, gian bên phải đặt giường ngủ của vợ chồng chủ nhà, gian bên trái đặt giường ngủ của con cái và khách. Cũng có kiểu nhà 3 gian, nhưng bếp không liền nhà mà tách ra ngoài. Các công trình phụ như chuồng gia súc, gia cầm thường đặt cách nhà 10-15m, phía đầu hồi bên phải.